Bộ Công Thương nói gì về việc kiểm tra 'đại gia' xăng dầu Phú Thọ cùng nhiều DN lớn?
Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc kiểm tra một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là bình thường
Gần đây, dư luận đang quan tâm trước thông tin một số “ông lớn” xăng dầu bị Bộ Công Thương kiểm tra diện rộng.
Trong danh sách này có Công ty TNHH Hải Linh, trụ sở tại tỉnh Phú Thọ. Được biết, đây là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thuộc hàng top ở khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với đó, một số người cũng lo ngại rằng nguồn cung xăng dầu có bị ảnh hưởng nếu một số “ông lớn” bị kiểm tra, cũng như một số thương nhân phân phối bị rút giấy phép do không đủ điều kiện hoạt động.
Ngày 7-8, trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đây là chương trình kiểm tra năm 2024 của Bộ Công Thương. Hằng năm, Bộ Công Thương vẫn thường xuyên lập kế hoạch kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Thực tế, hằng năm, Bộ Công Thương đều có chương trình kiểm tra ở các ngành, lĩnh vực, vì vậy không riêng xăng dầu mà các lĩnh vực khác cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
Theo chương trình kiểm tra năm 2024 được phê duyệt, Bộ Công Thương thực hiện kiểm tra 6 doanh nghiệp đầu mối, bao gồm cả Hải Linh, cùng 10 thương nhân phân phối. “Việc kiểm tra này là kiểm tra việc tuân thủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối. Tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ đều sẽ có kế hoạch kiểm tra” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Theo bà Hiền, một năm, Bộ không thể đi kiểm tra hết được hơn 30 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Do vậy, mỗi năm chỉ chọn một số doanh nghiệp để kiểm tra. "Như vậy, trong vòng 5 năm, Bộ sẽ kiểm tra được hết các số lượng các doanh nghiệp đầu mối trong vòng đời giấy phép kinh doanh của họ"- bà Hiền thông tin.
Nói thêm về yêu cầu các Sở Công Thương một số địa phương xác minh, cung cấp thông tin về các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc các doanh nghiệp đầu mối lớn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết Sở Công Thương trên địa bàn nắm rõ được số lượng, tình hình hoạt động của các cửa hàng.
Do vậy, bên cạnh việc đi kiểm tra thực tế, Bộ Công Thương sẽ kết hợp từ kết quả báo cáo xác minh, kiểm tra của các Sở Công Thương để có kết luận chính xác.
Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương khẳng định việc kiểm tra không liên quan gì tới tổng nguồn xăng dầu. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, năm nay nguồn cung của xăng dầu cơ bản được đáp ứng. Nhiều doanh nghiệp báo cáo tổng nguồn đầy đủ.
Tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28,44 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Trong khi đó, báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 đạt 14,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).
Bộ Công Thương dự báo tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 (theo báo cáo của các thương nhân) ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.