Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh mức nhập khẩu xăng, dầu 6 tháng cuối năm
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Để bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường xăng dầu trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng), khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Bộ cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (kiến nghị này đã được Bộ Công Thương đề xuất trong các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội).
Đồng thời, Bộ Công Thương Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu đã được Bộ Công Thương phân giao.
Chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam triển khai các nhiệm vụ đã thống nhất với Bộ Công Thương để nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Đồng thời làm việc cụ thể với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cho Bộ Công Thương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo từng tháng để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cần chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung theo phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu được giao để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước khi nguồn cung từ sản xuất trong nước không bảo đảm cung ứng đủ theo kế hoạch.
Chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh mức chiết khấu trong hệ thống phân phối một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung úng xăng dầu cho thị trường; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Đối với Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, cần tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho thị trường; Công bố kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày để các thương nhân đầu mối kinh doanh có kế hoạch cân đối nguồn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho thị trường.