Bộ Công Thương tham vấn về đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII

Chiều 12/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Chiều 12/2/2025, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII). Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi họp cùng đại diện các bộ, cơ quan liên quan tham dự.

Tham dự cuộc họp còn có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long và các ủy viên Hội đồng thẩm định; đại diện các bộ, ngành là thành viên của Hội đồng; các chuyên gia phản biện…

Thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Trước đó, vào ngày 11/2/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 261/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Chiều 12/2/2025, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. - Ảnh: Cấn Dũng

Chiều 12/2/2025, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. - Ảnh: Cấn Dũng

Hội đồng thẩm định gồm đại diện các bộ, ngành như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., cùng nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các tổng công ty điện lực khu vực.

Các chuyên gia phản biện bao gồm: Ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng - Viện Hàn Lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng - Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Ủy viên phản biện; ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Công Thương, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và sẽ giải thể sau khi hoàn tất thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/02/2025.

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII là yêu cầu cấp bách

Theo Bộ Công Thương, căn cứ Văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26/12/2024 của Văn phòng Chính phủ về Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã rà soát và xây dựng các nội dung cần xin ý kiến tham vấn đối với Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương về Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng cả nước ước đạt trên 7%.

Đến tham dự buổi họp gồm các đại diện các cơ quan thuộc Hội đồng thẩm định. - Ảnh: Cấn Dũng

Đến tham dự buổi họp gồm các đại diện các cơ quan thuộc Hội đồng thẩm định. - Ảnh: Cấn Dũng

Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tạo tiền đề hướng đến tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn 2026-2030 với nhiệm vụ chính là:

Tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao). Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, giai đoạn 2026-2030 tập trung vốn vào các dự án chuyển tiếp và các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm. Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, tập trung vào chuyển đổi số, thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhận tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng … đẩy mạnh chuyển đổi xanh. Quyết liệt thực hiện các cam kết tại COP26, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ổn định chính trị, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế thực chất, hiệu quả.

Trải qua gần 2 năm thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện về cơ bản đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh, quốc phòng của đất nước. Tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực, như với dự báo tăng trưởng kinh tế và định hướng các ngành kinh tế như nêu trên, nhu cầu điện giai đoạn 2026-2030 sẽ tăng mạnh. Do vậy, việc huy động các nguồn và lưới điện sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII thực hiện khó khăn trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi họp. - Ảnh: Cấn Dũng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi họp. - Ảnh: Cấn Dũng

Hơn nữa, xem xét về cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn đòi hỏi phải có sự điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được nêu cụ thể dưới đây:

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang hướng tới thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 và xu hướng chuyển sử dụng năng lượng sang các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Sự phát triển về khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi để tích hợp nhiều nguồn điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện, nhất là chi phí cho các hệ thống lưu trữ năng lượng có xu hướng giảm nhanh.

Tình hình địa chính trị quốc tế (xung đột Nga - Ukraine, khu vực Trung Đông, các biện pháp trừng phạt kinh tế,…) đang còn tiếp diễn phức tạp, dẫn đến những biến động về giá nhiên liệu nhập khẩu cho sản xuất điện; ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI, ảnh hưởng do các quy định về thuế CO2 đối với hàng hóa xuất khẩu …

Việc triển khai nhiều dự án nguồn điện chạy nền - lưới điện trong Quy hoạch điện VIII gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, các cam kết thực hiện Mục tiêu Net-zero về phát thải các-bon của Việt Nam đến năm 2050. Đặc biệt là các dự án điện khí LNG, chỉ có 3 dự án (Nhơn Trạch 3, 4 và Hiệp Phước khoảng 2.824 MW) đang được xây dựng trong số 13 dự án (khoảng 22.400MW); các dự án sử dụng khí trong nước có nhiều rủi ro về tiến độ trước 2030 do trữ lượng và tiến độ nguồn khí chưa rõ ràng; các dự án điện than, điện gió ngoài khơi cũng có nhiều rủi ro về tiến độ trước 2030 do cam kết giảm phát thải, do yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ và thời gian chuẩn bị và xây dựng kéo dài. Do vậy, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương tái khởi động lại điện hạt nhân.

Với các căn cứ trên có thể sẽ làm thay đổi mục tiêu, nội dung của Quy hoạch điện VIII như nhu cầu điện, cơ cấu nguồn tối ưu hệ thống truyền tải, nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư.

Ngoài ra, giai đoạn 2022-2024 nhiều chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia khác thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được phê duyệt, đòi hỏi cần có sự phù hợp giữa Quy hoạch điện VIII với các quy hoạch ngành quốc gia này trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, cần thiết phải thực hiện các phân tích, dự báo, tính toán cụ thể để xác định kịch bản phát triển điện tối ưu và điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện, kịp thời cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy định pháp luật.

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.

Thế Duy - Thanh Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tham-van-ve-de-an-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-373388.html