Bộ Công Thương: Tiêu thụ ô tô, quần áo, dệt may... đang 'ế ẩm'
Sức ép lạm phát, lãi suất cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép...
Đây là thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 3 tháng đầu năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Trong quý I/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết (dương lịch và âm lịch), số ngày làm việc ít, cùng với sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 15%). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 79,2 tỷ USD, giảm 11,9% (cùng kỳ tăng 14,4%); nhập khẩu ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%).
Lý giải nguyên nhân của suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết do gía nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…
Trong khi đó, các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm.
Về dự báo tình hình quốc tế và trong nước, Bộ Công Thương đánh giá kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ. Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Theo Bộ Công Thương, sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao.
Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua Chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.; chú trọng những chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến, sản phẩm nông sản...