Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm

Sáng nay 14/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì tọa đàm.

Tham dự Tọa đàm còn có ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Bộ ngành khác.

Về phía các chuyên gia kinh tế, có PGS.TS Trần Đình Thiên- Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Bùi Quang Tuấn- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam; ông Lê Duy Bình- Chuyên gia kinh tế, Công ty Tư vấn về Quản lý kinh tế…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu đề dẫn Tọa đàm

Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm - giải pháp cấp bách

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.

Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành có một số ít Luật quy định cụ thể về một ngành công nghiệp như Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản… Đây là các phân ngành công nghiệp có đặc điểm không trực tiếp xây dựng nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, không tạo ra giá trị gia tăng lớn, không có tác động lan tỏa lớn đến các ngành kinh tế - xã hội khác mà chủ yếu sử dụng trực tiếp tài nguyên của quốc gia, nguồn lực của Nhà nước. “Vì vậy, tính chất và phạm vi điều chỉnh của các đạo luật này chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sự can thiệp từ phía Nhà nước nhằm bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của quốc gia, cân bằng cung – cầu đầu vào và đầu ra phục vụ cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng khác”- Thứ trưởng chỉ ra.

Khác với các đạo luật trên, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. “Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành…, sẽ là giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng – đặc biệt là các ngành công nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao”- Thứ trưởng nêu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì tọa đàm

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì tọa đàm

Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp với những lý do như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách và thực tiễn phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/ 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp đều nhấn mạnh sự ưu tiên, chú trọng các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, lấy đó làm then chốt để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, việc ban hành Luật Phát triển công nghiệp trong tình hình, bối cảnh hiện nay do đó là vô cùng cấp bách.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉnh lý đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp thành hồ sơ Luật Công nghiệp trọng điểm, với nội hàm của công nghiệp trọng điểm là các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo chủ trương, định hướng công nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Tọa đàm

Nêu ý kiến tại Tọa đàm, ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết khuyến khích, kích thích phát triển ngành công nghiệp. Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn về việc xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm, vì cho rằng phạm vi, đối tượng phát triển công nghiệp rất rộng; trong đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã có luật điều chỉnh, như Luật Hóa chất, Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao... cũng như nhiều chính sách phát triển công nghiệp đã được quy định trong các luật về thuế, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... “Do đó, nếu ban hành Luật mới về phát triển công nghiệp Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu và thu hẹp phạm vi của Luật và phải làm kỹ, tránh chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả điều chỉnh không cao”- ông Hoài phân tích.

Ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm nào?

Trình bày báo cáo tại tọa đàm, ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp cho biết, trên cơ sở rà soát phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên tại Nghị quyết số 29-NQ/TW và để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành, các ngành công nghiệp trọng điểm được điều chỉnh tại Luật được quy định rõ trong nội dung Đề cương chi tiết của Luật, gồm: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp vật liệu, luyện kim; công nghiệp điện tử; công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp thực phẩm và sinh học; công nghiệp dệt may, da - giày; các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp

Ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp

Ông Lương Đức Toàn nhấn mạnh, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng: Luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); hóa chất (ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, phân bón); công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, thiết bị điện tử-viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn)".

Ngoài ra, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp sản xuất rô-bốt, ô-tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp văn hóa...

Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030, chú trọng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do, tập trung vào các lĩnh vực: Ðiện tử thông minh, ô-tô, dệt may-da giày, cơ khí và tự động hóa…"

Đáng chú ý, các ngành công nghiệp năng lượng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin; công nghiệp hóa chất do đã có các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh nên sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công nghiệp trọng điểm”- đại diện Cục Công nghiệp nêu.

Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm không gây ra mâu thuẫn, chồng chéo

Chia sẻ quan điểm tại Tọa đàm, Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận, cần xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp để thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm... Chúng ta cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển và xây dựng Luật”- TS Lê Đăng Doanh nói và cho rằng, nên kết hợp Luật Công nghệ thông tin và Luật Công nghiệp Quốc phòng vì 2 luật này có đóng góp vào Luật Công nghiệp trọng điểm. Cụ thể, tại thời điểm này doanh nghiệp phải số hóa, tận dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần kết hợp tối đa mọi nguồn lực doanh nghiệp trong và ngoài quốc phòng để tránh sự trùng lặp, lãnh phí nguồn lực.

Phân tích kỹ hơn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm chúng ta nên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm. Có thể nhìn nhận, đối với những ngành công nghiệp ưu tiên thời gian qua được quan tâm để phát triển, nhưng vẫn đang ngổn ngang, cho thấy cách tiếp cận Luật chưa giải quyết vẫn đề như mong muốn. Có những ngành công nghiệp được quan tâm làm luật đầu tiên nhưng chưa thành công.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra, việc tiếp cận đối tượng làm luật phức tap hơn về cấu trúc phát triển… Làm luật Công nghiệp sẽ khó khăn hơn vì không chỉ đối đầu với cấu trúc công nghiệp cổ điển còn phải đối mặt với công nghiệp tương lai. “Khi làm cần tiếp cận tới cấu trúc phát triển trong đó có cơ cấu ngành, hệ thống chính sách cũng cần mới. Luật phải khuyến khích cạnh tranh, thuận theo thị trường”- PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, phải có tiêu chuẩn rõ ràng hơn, lựa chọn các ngành đối tượng và khung thời gian ưu đãi, ưu tiên cho phù hợp. Tinh thần của Luật Công nghiệp phải mở ra để thúc đẩy, chứ không đơn thuần là “quản”.

Băn khoăn về sự chồng chéo trong công tác xây dựng Luật, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan tỏa, như vậy có thể trùng về lĩnh vực nhưng có thể không trùng định hướng (trùng hình thức, không trùng về nội dung). Nên xây dựng tiếp cận theo hướng hỗ trợ phát triển trong dài hạn. “Tổ chức thực thi Luật cực kỳ quan trọng không nên giao luật này cho các Bộ theo phạm vi chức năng mà giao một cơ quan đủ thẩm quyền thực thi”- TS Phan Đức Hiếu nêu giải pháp.

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Qua các nội dung trình bày và thảo luận của các đại biểu tham gia Tọa đàm, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của công nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Do đó, việc xây dựng và ban hành một đạo luật để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phù hợp là hết sức cần thiết.

Kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, các nội dung trình bày cũng như ý kiến trao đổi của các đại biểu tham gia Tọa đàm đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp cần được giải quyết. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm theo hướng không gây ra mâu thuẫn, chồng chéo với các đạo luật chuyên ngành khác. Nội dung và các chính sách tại Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ được thiết kế để bảo đảm các chính sách, giải pháp mang tính đặc thù, phù hợp với đặc trưng của các ngành công nghiệp và thực sự cần thiết, đột phá để thúc đẩy phát triển công nghiệp mà các đạo luật chuyên ngành khác chưa giải quyết được. Việc xây dựng này là rất khó, tuy nhiên chúng tôi xác định phải làm được và các luận điểm đưa ra phải thực hiện được để phục vụ phát triển công nghiệp trọng điểm nói riêng ngành công nghiệp nói chung”- Thứ trưởng lưu ý.

Lan Anh - Việt Nga - Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-to-chuc-toa-dam-ve-du-an-luat-cong-nghiep-trong-diem-262181.html