Bộ đồ chơi xếp hình Lego sinh lãi cao hơn vàng

Thực tế chứng minh đầu tư các bộ đồ chơi xếp hình Lego có thể mang lại lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn một số tài sản truyền thống. Động lực tăng giá

Một cuộc khảo sát của Barclays - nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu của Anh - cho thấy ngoài khoản đầu tư truyền thống vào chứng khoán, giới nhà giàu đầu tư khoảng 10% tài sản của họ vào đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, rượu vang và ô tô. Nhu cầu đối với những hàng hóa như vậy cũng như sự tăng trưởng về giá của chúng đặc biệt cao ở các nước như Trung Quốc, Nga và các nước Trung Đông.

Thị trường khổng lồ nhưng thầm lặng

“Chúng ta thường thấy mọi người mua những mặt hàng như đồ trang sức, đồ cổ hoặc tác phẩm nghệ thuật như một khoản đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn những lựa chọn khác, chẳng hạn như bộ sưu tầm đồ chơi. Hàng chục nghìn giao dịch diễn ra trên thị trường Lego thứ cấp. Ngay cả khi tính đến mức giá khiêm tốn của hầu hết các bộ đồ chơi này, đây vẫn là một thị trường khổng lồ mà các nhà đầu tư truyền thống không để ý”, ông Victoria Dobrynskaya, Phó giáo sư tại Trường Kinh tế Cao cấp Nga, cho hay.

Trong một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh và Tài chính Quốc tế, các nhà nghiên cứu lập luận rằng đầu tư vào Lego thực sự mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 2.322 bộ đồ chơi xếp hình Lego được bán từ năm 1987-2015. Bộ dữ liệu của họ bao gồm thông tin về doanh số bán hàng chính và giao dịch đấu giá trực tuyến (chỉ chọn doanh số bán các bộ mới chưa mở).

Kết quả cho thấy việc đầu tư và bán lại những món đồ chơi xếp hình Logo mang lại lợi nhuận trung bình hàng năm là 10-11%, thậm chí còn cao hơn nếu bộ mới được mua trên thị trường sơ cấp và hưởng chiết khấu. Con số này cao hơn lợi nhuận từ cổ phiếu, trái phiếu, vàng và nhiều mặt hàng sưu tầm khác như tem hoặc rượu vang.

Chẳng hạn, một bộ đồ chơi xếp hình Lego bản Star Wars Darth Revan được bán lẻ với giá 3,99 USD vào năm 2014 đã được bán lại với giá 28,46 USD trên eBay chỉ một năm sau đó, tức tăng khoảng 613%. Những trường hợp như vậy nhấn mạnh tiềm năng của Lego như một khoản đầu tư sinh lợi.

Ngoài ra, giá Lego ít phụ thuộc vào thị trường chứng khoán (giá của chúng vẫn tăng ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008) và tương đối thấp so với tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ và ô tô, khiến chúng trở thành kênh đầu tư đáng tin cậy và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh rằng đầu tư vào Lego chỉ có giá trị trong dài hạn và phải chịu chi phí giao dịch cao so với đầu tư vào chứng khoán hay các sản phẩm tài chính khác.

Động lực tăng giá

Có một số yếu tố khiến Lego khác biệt so với đồ chơi thông thường, mở ra tiềm năng đầu tư. Quan trọng nhất trong số này AFOL (Adult Fan of Lego), thuật ngữ chỉ nhóm hâm mộ Lego tuổi trưởng thành. Đây là một trong những nhóm khách hàng được hãng “ưu ái” chăm sóc thông qua nhiều chiến lược marketing.

Lịch sử lâu đời của thương hiệu đồng nghĩa với việc có một số người trưởng thành, đặc biệt là những người ở độ tuổi tam tuần và tứ tuần, muốn tìm mua bộ đồ chơi Lego vì nó gợi nhớ đến những ký ức trong quá khứ.

Nhu cầu về các bộ đồ chơi cũ và ngừng sản xuất trên thị trường thường được thúc đẩy bởi sự nhiệt tình cũng như khả năng tài chính của AFOL. Hãy hình dung: Cha mẹ của một đứa trẻ không thể mua một bộ Lego cho con vì giá của nó được đánh giá là khá đắt đỏ so với mặt bằng chung. Đứa trẻ lớn lên và chúng sẽ tìm kiếm bộ đồ chơi đó vì nó là một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ. Nếu công ty không bán bộ đồ chơi đó, những người trưởng thành này sẵn sàng mua nó từ người khác với giá cao hơn.

Chính sách của tập đoàn Lego là liên tục phát hành các bộ mới và thường không lặp lại các bộ cũ trong quá trình sản xuất. Do đó, nếu một nhà sưu tập muốn mua một bộ lắp ghép Lego đã ngừng sản xuất, họ chỉ có thể làm điều này trên thị trường thứ cấp. Một khi bộ Lego được mua và mở niêm phong, chúng sẽ rời khỏi thị trường thứ cấp khiến nguồn cung giảm và giá của của các bộ Lego còn nguyên vẹn sẽ tăng lên.

Các bộ Lego hiếm hoặc phiên bản giới hạn có khả năng mang lại lợi nhuận cao hơn nữa. Tuy nhiên, đối với các bộ thông thường, người ta có thể phải đợi nhiều năm trước khi chúng trở nên hiếm trên thị trường thứ cấp để mang lại lợi nhuận đáng kể. Theo cách này, đầu tư vào Lego cũng giống như đầu tư vào các mặt hàng tiêu dùng thay thế khác, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật hoặc rượu vang hảo hạng.

Lợi nhuận cao cũng đến từ việc định giá thấp các bộ sưu tập trên thị trường sơ cấp. Lego có chính sách định giá theo chi phí cận biên. Điều đó có nghĩa là công ty quyết định giá của mỗi bộ dựa trên lượng nhựa được sử dụng để sản xuất ra nó.

Giá trên thị trường thứ cấp thường bắt đầu tăng hai hoặc ba năm sau khi một bộ xếp hình ngưng sản xuất. Giá của các bộ nhỏ và rất lớn tăng nhanh hơn giá của các bộ cỡ trung bình, có thể là do các bộ nhỏ thường chứa các bộ phận hoặc hình tượng độc đáo, trong khi các bộ lớn được sản xuất với số lượng ít và hấp dẫn hơn đối với người trưởng thành.

Giá của các bộ theo chủ đề riêng về các tòa nhà nổi tiếng, phim ảnh nổi tiếng hoặc các ngày lễ theo mùa có xu hướng tăng trưởng cao nhất trên thị trường thứ cấp (những bộ đắt nhất bao gồm Millennium Falcon, Cafe on the Corner, Taj Mahal, Death Star II và Imperial Star Destroyer). Nhìn chung, tính hiếm có làm tăng giá trị của chúng theo quan điểm của người sưu tập.

Bảo Long/New York Post

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/bo-do-choi-xep-hinh-lego-sinh-lai-cao-hon-vang-d51332.html