Bộ đội Biên phòng Y Hán Hwing - người con của buôn làng
Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk là một trong số đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Lắk.
Tập thể cán bộ, chiến sĩ nơi đây ngoài việc ngày đêm canh giữ biên giới còn chăm lo cuộc sống cho người dân. Nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ của Đồn được bà con coi như người thân trong gia đình, trong đó có Đại úy Y Hán Hwing, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (VĐQC), Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk.
Nỗi trăn trở của người sĩ quan trẻ
Y Hán Hwing sinh năm 1991, là con thứ 6 trong gia đình người dân tộc Ê Đê có 7 anh em tại buôn Trí, xã Krông Na (Buôn Đôn, Đắk Lắk). Cha của Y Hán là Y Kar Byă, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Krông Na. Nghỉ hưu trở về đời thường, ông Y Kar Byă là một già làng uy tín của buôn. Cùng với những khuôn phép giáo dục, ông luôn khuyên nhủ các con cố gắng học tập, phấn đấu trở thành người tốt: "Cứ hết lòng vì nước, vì dân phục vụ, lo cho bà con buôn làng được ấm cái thân, no cái bụng, cuộc sống yên vui, kinh tế phát triển là cha hạnh phúc nhất...”.
Nghe lời cha dạy, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Y Hán luôn mơ ước sau này được trở thành một chiến sĩ biên phòng. Năm 2007, Y Hán trúng tuyển vào Trường Thiếu sinh quân Dân tộc Quân khu 5. Sau 3 năm học, Y Hán được cử đi đào tạo hệ cử tuyển Học viện Biên phòng khóa 17. Năm 2015, anh tốt nghiệp và được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, đứng chân tại xã Krông Na-nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình.
Cũng như các anh chị em và bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ Y Hán sớm được tắm gội, trui rèn trong cái nắng cháy, mưa lầy, khí hậu khắc nghiệt nơi biên giới. Anh chứng kiến cái khó, cái khổ, cái đói nghèo gần như quanh năm của buôn làng nên thấu hiểu sâu sắc những suy nghĩ, ước mơ trong cái bụng của bà con và luôn nung nấu làm được gì đó có ích cho cộng đồng.
Trở lại buôn làng, bước chân Y Hán đã trở nên vững chắc, rắn rỏi hơn trong vai trò của người sĩ quan biên phòng. Anh lại đi trên những con đường mà tuổi thơ đã cùng lũ bạn nghèo chơi đùa, rượt đuổi nhau ra bến nước đầu buôn, rồi cùng lao xuống dòng sông Sê Rê Pốk xanh mát tắm gội. Hình ảnh bà con hoàn cảnh khó khăn nơi quê hương cứ hiện lên trong đầu và thôi thúc mọi nỗ lực vì quê hương, vì người dân của chàng sĩ quan trẻ. Y Hán nắm tường tận hoàn cảnh của gia đình Y Théo Niê ở buôn Trí phải chen chúc trong ngôi nhà tạm bợ, cùng những đứa con thơ nheo nhóc bữa đói, bữa no. Gia đình bà H’Nhem Êban ở buôn Ea Rông B, một mình bà phải nuôi 3 người em, trong đó có người em trai tàn tật. Đứa con gái bà sau khi sinh hai con nhỏ, do cuộc sống khốn khổ đã bỏ nhà đi biệt tích, bà lại phải nuôi thêm hai đứa cháu nhỏ dại; đứa lớn năm nay học lớp 3, đứa em chưa đi học. Gia đình H’Nghĩa Mlô, gia đình H’Mút San ở buôn Trí chưa có nhà ở phải sống chung với cha mẹ già yếu. Gia đình H’Thai Mlô ở thôn Thống Nhất, với 4 đứa con nhỏ dại, cuộc sống vô cùng vất vả... Và còn bao gia đình khó khăn khác trong xã khiến lòng Y Hán nôn nao xen lẫn xót xa!
“Trao cần câu hơn cho xâu cá”
“Phải làm gì đây cho bà con?” là câu hỏi luôn day dứt trong đầu Y Hán. Bà con đều rất siêng năng, chỉ cần có cái “cần câu”-có sinh kế trong tay là họ có thể vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu, Y Hán thấy bà con có thể phát triển chăn nuôi cải thiện đời sống nhưng lại thiếu vốn mua con giống, vật nuôi. Bên cạnh những chương trình, chính sách hỗ trợ người dân vùng biên giới xóa đói, giảm nghèo của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh cũng như của đơn vị, Y Hán đã dùng một phần tiền lương của mình để mua tặng con giống cho nhiều hộ. Từ cặp lợn, 20kg cá giống ban đầu được Y Hán giúp đỡ, cuộc sống gia đình Y Théo đã dần thay đổi. Cặp lợn sinh được nhiều lứa, mỗi lứa Y Hán mua lại 1-2 con giống để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo khác trong buôn. Hộ bà H‘Nhem Êban được Y Hán hỗ trợ một cặp lợn, 50 con gà giống, đề xuất Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ gia đình thêm bò giống, rồi cùng đồng đội giúp ngày công làm chuồng gà, chuồng bò, cuốc đất trồng cỏ nuôi bò. Anh còn giúp đứa cháu của bà H’Nhem vào Dự án “Nâng bước em tới trường” để đỡ phần gánh nặng cho bà.
Gia đình chị Từ Niê Mai Trang ở buôn Trí là một trong 65 hộ nghèo của xã Krông Na. Trước năm 2021, gia đình chị được Y Hán giúp giống bò, gà, lợn, cá... để nuôi. Anh hướng dẫn và trực tiếp lao động cùng gia đình xây dựng mô hình VAC, trong đó có ao thả cá rộng hơn 3.500m2. Riêng đàn bò đến nay đã phát triển đến cả chục con. Chị Mai Trang không giấu được niềm vui, chia sẻ: “Từ khi bộ đội Y Hán giúp đỡ, cuộc sống của gia đình tôi đã thoát nghèo và có của ăn của để. Tôi biết ơn Y Hán rất nhiều...”.
Cũng với cách làm trên, các hộ: H‘Thái Mlô; H‘Nghĩa Mlô; H‘Mút San đều được Y Hán hỗ trợ lợn giống, gà giống và anh thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên cùng các phần quà như gạo, mắm, muối, mì ăn liền...
Người con của buôn làng
Nhiệm vụ trọng tâm của Đội VĐQC là tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định về biên giới, biên phòng. Trong quá trình công tác, Y Hán luôn phát huy những lợi thế như thông thạo địa bàn, am hiểu phong tục, tập quán, điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình trong xã. Để nâng cao khả năng giao tiếp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con các dân tộc sống trên địa bàn, ngoài tiếng mẹ đẻ, Y Hán còn học và có thể giao tiếp thành thạo tiếng Kinh, tiếng M’Nông, tiếng Lào. Trong tuyên truyền, anh luôn cố gắng chuẩn bị nội dung ngắn gọn, cô đọng để đồng bào dễ nghe, dễ nhớ và dễ hiểu. Đặc biệt, anh chủ động phiên dịch, biên soạn một số nội dung tuyên truyền bằng tiếng dân tộc trên địa bàn, rồi thu âm và in ấn để bà con dễ dàng tiếp thu.
Nhận thấy một bộ phận người dân trên địa bàn vẫn có thói quen sống dựa vào rừng, sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn động vật hoang dã, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Y Hán cùng anh em trong đơn vị tổ chức tuyên truyền tập trung ở 8 thôn, buôn cũng như tuyên truyền nhỏ lẻ, cá biệt từng hộ gia đình... Chỉ trong năm 2023, đơn vị đã thu hồi 28 khẩu súng các loại, riêng cá nhân Y Hán trực tiếp thu hồi 10 khẩu. Để có kết quả đó, Y Hán phải đi lại thuyết phục nhiều lần. Ví như trường hợp Y Dương Knul, nhà ở buôn Trí và ông Y Si Vứt Niê, ở buôn Ea Rông B... sử dụng súng làm phương tiện kiếm miếng ăn cho gia đình. Thế nhưng, với sự kiên trì, Y Hán nhiều lần đến khuyên nhủ, tặng giống cây trồng, vật nuôi cải thiện đời sống, nên dần thuyết phục được các đối tượng đem súng giao nộp.
Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, ngoài 12 cháu con nuôi của Đồn và 115 cháu trong Dự án “Nâng bước em tới trường” trên địa bàn xã Krông Na của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh mà Y Hán có nhiệm vụ quan tâm, giúp đỡ, theo dõi tình hình học tập, Đội VĐQC do Y Hán phụ trách còn nhận nuôi cháu Y Phú Mlô, dân tộc M’Nông mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với ông bà già yếu ở buôn Drang Phốk, cách trung tâm xã 18km. Y Hán và đồng đội lại trong vai người cha cần mẫn, chăm cho Y Phú từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy dỗ, đưa đón em đi học từ lúc lớp 1 đến nay là lớp 5 (cả 5 năm liên tục, Y Phú đều là học sinh giỏi). Mới đây, Y Hán lại phát hiện trường hợp cháu Y Đô Đốc Hwing, con bà H‘Lủn Hwing ở buôn Ea Rông B, mồ côi cha có nguy cơ bỏ học vì gia đình khó khăn, nên đã kịp thời tham mưu, đưa Y Đô Đốc Hwing vào Dự án “Nâng bước em tới trường” và được đích thân Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Đắk Lắk nhận làm con đỡ đầu.
Đồng chí Y Lươm Knul, Phó chủ tịch UBND xã Krông Na nói về Đại úy Y Hán: “Y Hán Hwing là sĩ quan BĐBP rất năng nổ, trách nhiệm. Đồng chí thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tham mưu cho địa phương một số lĩnh vực liên quan đến biên giới qua các việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đồng chí đã tham mưu cho xã nhiều bài, nhiều hình thức tuyên truyền rất hiệu quả, như: Dùng xe máy chở loa đi khắp làng, khắp các buôn sâu, xa, tới tận ngõ, gõ tận nhà để tuyên truyền bà con biết sự nguy hiểm của dịch bệnh chết người và tuân thủ tốt các quy định phòng, chống dịch".
Với bà con buôn làng, Y Hán luôn gần gũi, hòa đồng. Anh quan tâm, rà soát các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những gia đình có con em có nguy cơ bỏ học cần phải hỗ trợ để tham mưu cho cấp ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn Biên phòng có kế hoạch giúp đỡ kịp thời. Từ những việc làm thiết thực của bộ đội Y Hán, hơn 100 cháu được hỗ trợ mức tiền 400.000-500.000 đồng/tháng. Cũng chính nhờ đó mà những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn giảm hẳn.
Với các gia đình nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, ngoài các khoản hỗ trợ của Đồn, của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, trong các dịp lễ, tết, Y Hán thường xuyên kết hợp với các nhà hảo tâm góp những suất quà đến thăm hỏi, động viên rất kịp thời, ý nghĩa. Bộ đội Y Hán không chỉ là sĩ quan biên phòng mà thật sự là người con của buôn làng.
“Đại úy Y Hán Hwing là cán bộ sĩ quan trẻ xuất sắc của đơn vị. Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua, đồng chí Y Hán và đồng đội trực tiếp hỗ trợ 6 hộ gia đình thoát nghèo; triển khai, nhân rộng được 7 mô hình giúp dân hiệu quả giúp 245 hộ gia đình thoát nghèo và phát triển kinh tế. Đội VĐQC trong 5 năm liên tiếp đều đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến. Cá nhân đồng chí Y Hán có 3 năm là Chiến sĩ tiên tiến và 2 năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Trung tá Phạm Văn Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cho biết.