Bộ đội Công binh và cuộc chiến thầm lặng rà phá bom mìn sau chiến tranh
Đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn sau chiến tranh là chủ trương, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, lấy con người là trung tâm, thể hiện đạo lý yêu nước, thương nòi của dân tộc ta. Là lực lượng nòng cốt rà phá bom mìn tồn sót sau chiến tranh, Bộ đội Công binh đã và đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, gian khổ thực hiện nhiệm vụ.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ nhưng biết bao vùng đất của Tổ quốc ta vẫn đang gánh chịu hậu quả ô nhiễm bom mìn, vật nổ (BMVN) còn sót lại, gây ra những đau thương mất mát cho người dân vô tội, tác động xấu đến môi trường sống và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bị tác động của bom mìn”, những năm qua, Bộ đội Công binh luôn thầm lặng đối mặt với bom mìn, vật nổ, hồi sinh những vùng đất từng là chiến trường đỏ lửa…
Ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh - Nỗi đau và trách nhiệm
Việt Nam là một trong những quốc gia có hiện trạng ô nhiễm BMVN nặng nề và phức tạp nhất trên thế giới. Trong nhiều năm nữa hậu quả do BMVN vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chỉ tính riêng số bom, mìn, đạn, vật nổ các loại mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đã lên đến khoảng 15,35 triệu tấn. Số lượng bom đạn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam ước tính lên tới khoảng 800.000 tấn, gồm nhiều chủng loại nằm rải rác ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. 63/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đều bị ô nhiễm BMVN. BMVN sót lại chưa nổ nằm dưới lòng đất ở những độ sâu và địa hình khác nhau, tính chất độc hại cao và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy có thể mất an toàn bất cứ lúc nào, là hiểm họa thường trực đối với người dân.

Bản đồ dữ liệu bom mìn không quân Mỹ đánh phá Việt Nam (1964-1972) do Trung tâm dữ liệu bom mìn Mỹ cung cấp. Màu đen thể hiện mức độ sử dụng bom đạn đánh phá của Quân đội Mỹ.
Đến năm 2024, sau hơn gần 15 năm nỗ lực rà phá bom mìn, Việt Nam còn khoảng 5,6 triệu héc ta đất bị ô nhiễm bom mìn, tương đương với 17,71% diện tích cả nước. Từ sau giải phóng miền Nam năm 1975 đến nay đã có hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương bởi BMVN còn sót lại, tồn lưu sau chiến tranh. Trong các vụ tại nạn do BMVN thì có khoảng 30% số vụ tai nạn là do người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, tháo gỡ bom đạn. Số tai nạn còn lại do trẻ em đùa nghịch, người dân sinh sống, lao động, làm nông tại các khu vực ô nhiễm BMVN vô tình tác động vào gây tai nạn.
Điển hình các vụ tại nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh gần đây gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: Vụ tai nạn BMVN xảy ra ngày 25-3-2023 tại làng Kon Đao Yốp, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum làm 2 người tử vong, 3 người bị thương; vụ tai nạn BMVN xảy ra ngày 17-1-2024 tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau khiến 3 người tử vong. Ngoài ra, đất nước ta còn phải gánh chịu hậu quả của sự ô nhiễm chất độc hóa học. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống các tỉnh miền Nam của Việt Nam gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người, làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn người đã chết, hàng trăm nghìn người đang phải sống với bệnh tật, đời sống thực vật, đặc biệt tác hại của chất độc da cam còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Cán bộ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh xử lý bom thu hồi sau dò tìm tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Công tác điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn vật nổ đã triển khai trên nhiều tỉnh, nhiều địa bàn trong nhiều năm qua nhưng do mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nề, phức tạp, nguồn lực và trang thiết bị còn hạn chế nên kết quả đạt được còn thấp so với quy mô và yêu cầu đặt ra. Theo đánh giá của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), trung bình mỗi năm rà phá và làm sạch được khoảng 30.000ha đất.
Đẩy nhanh tiến độ rà phá bom mìn sau chiến tranh là chủ trương, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo, lấy con người là trung tâm, thể hiện đạo lý yêu nước, thương nòi của dân tộc ta. Trong đó, Công binh được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ.
Cuộc chiến thầm lặng
Từ khi kết thúc chiến tranh cho đến nay, Bộ đội Công binh vẫn thầm lặng rà phá, hồi sinh những mảnh đất bị đạn bom hủy diệt. Đây là nhiệm vụ hết sức cao cả nhưng cũng vô cùng khó khăn, nguy hiểm, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình mà người lính Công binh luôn phải đối mặt với lằn ranh sinh tử. Cuộc chiến thầm lặng ấy diễn ra hằng ngày, trên mọi miền Tổ quốc.
Đất nước đang trên con đường phát triển, nhiều con đường đang mở, nhiều công trình mới sẽ được xây dựng trên những mảnh đất, dòng sông đã một thời chìm trong bom đạn. Trước ngày khởi công xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc – Nam; đường tuần tra biên giới; sân bay Long Thành; đường ống dẫn dầu khí Sao vàng - Đại Nguyệt… người lính Công binh phải thầm lặng dò tìm từng mét đất để bảo đảm an toàn cho mặt bằng xây dựng.
Tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn tới hàng chục nghìn héc ta đất bị ô nhiễm, nhưng bom mìn đang giấu mặt ở trên những điểm cao hiểm trở, dưới cỏ cây, bùn đất hay chui sâu dưới khe suối. Công tác rà phá BMVN phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đang được thực hiện vô cùng gian khổ, các đơn vị công binh đã huy động hàng trăm nghìn ngày công lao động dò tìm, thu gom, phân loại và xử lý mìn, đạn, vật liệu nổ để đồng bào các dân tộc sinh sống quanh khu vực được bình yên, an toàn.

Bộ đội Công binh dò tìm và xử lý mìn tại khu vực xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Có lẽ không có công việc nào của người chiến sĩ lại khắc nghiệt như công việc rà phá bom mìn. Máy báo tín hiệu có bom mìn đồng thời là tín hiệu báo người chiến sĩ Công binh bước vào khoảnh khắc sinh tử. Ngày 12-11-2020, lực lượng Công binh của Sư đoàn 316, Quân khu 2 trong khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom mìn phục vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại địa bàn xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã xảy ra nổ đầu đạn khiến một chiến sĩ hy sinh, một chiến sĩ bị thương.
Đôi khi tín hiệu báo do có mảnh vỏ bom đạn, sắt thép nhưng với trách nhiệm cao cả được giao, Bộ đội Công binh đều phải vất vả, cẩn thận đào bới, tìm kiếm từng cm đất hoặc ngụp lặn dưới ao hồ, sông suối cả mấy chục lần. Nếu bỏ sót một tín hiệu biết đâu lại gây thương tích cho người đi sau. Có những quả bom, mìn ẩn sâu dưới lớp bùn, đất lòng sông, ven biển đến 1,5m khiến việc đào bới rất khó khăn, phải sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng, bộ đội cũng phải có sức khỏe dẻo dai để lặn và trục vớt bom đạn.
Sau mỗi bước chân, hành trình không ngơi nghỉ đầy mồ hôi, nước mắt của Bộ đội Công binh rà phá bom mìn là những cột mốc an toàn, là bình yên của nhân dân, là tương lai cho những mảnh đất hoang cằn sẽ được phủ xanh thành những cánh rừng, ruộng nương, làng bản, trường học, những công trình mới nâng tầm vóc dáng hình hài Tổ quốc… Đó là động lực để Bộ đội Công binh rà phá bom mìn vượt mọi khó khăn, gian nguy, kiên cường thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng với phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Mở đường thắng lợi” đem lại bình yên để đất nước vươn xa.
Bài, ảnh: VĂN NGUYÊN - MỸ LINH