Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình
Các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển hát ca ngợi về người lính. Ảnh: MINH NGUYỆT
Từ trong kháng chiến chống Pháp tới nay, mỗi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ những ngày đầu bước vào quân ngũ đều được tập và hát vang bài ca Vì nhân dân quên mình của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, sáng tác vào tháng 5/1951. Hàng triệu thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ đã nối tiếp nhau cống hiến, hy sinh và lập nên những chiến công chói lọi từ khát vọng, lý tưởng cao đẹp đó.
Điệp khúc “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi, vì nhân dân quên mình” không chỉ là sự lặp lại ca từ mà đó chính là sự nhấn mạnh, khẳng định lời thề của những người quân nhân cách mạng đối với nhân dân, với dân tộc. Đó cũng chính là lý do hiển nhiên, sâu sắc nhất quán của sự ra đời, trưởng thành và phát triển của quân đội ta. Chân lý cao đẹp mà giản dị đó đã được đúc kết từ thực tiễn suốt hơn 75 năm xây dựng chiến đấu của quân đội ta, của mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ. Hàng vạn những chiến công lớn nhỏ, những hy sinh được biết đến vinh danh và những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ quân đội đều được bắt nguồn từ lý tưởng, khát vọng cháy bỏng “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.
Bác Hồ, người Cha già kính yêu của dân tộc, của quân đội luôn căn dặn “Quân đội ta trung với nước, trung với Đảng…”. Bác còn căn dặn quân đội ta phải “hiếu với dân”. Bộ đội là con em của dân, theo truyền thống ngàn đời của dân tộc con luôn phải giữ trọng đạo hiếu với cha mẹ “làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Thế nên, nước, Đảng, dân hòa quyện làm một trong trái tim những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Như Chế Lan Viên đã viết trong tác phẩm Sao chiến thắng:
“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”.
Hay như Nam Hà đã viết trong Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi:
“Ôi! Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi, Việt Nam ơi”.
Từ những lẽ đó mà trong xây dựng quân đội, nuôi dưỡng nhân cách quân nhân cách mạng luôn phải lấy đạo hiếu với dân làm điểm tựa, đó cũng là cơ sở xây dựng lòng trung với nước, trung với Đảng của mỗi quân nhân.
Trải qua hơn 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, quân đội ta luôn giành thắng lợi và không ngừng lớn mạnh vì đã biết dựa vào dân, tin tưởng “sống trong lòng dân, chiến đấu vì nhân dân”, coi “trận địa lòng dân” là then chốt, quyết định mọi thành công. Dân là điểm tựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ta tự tin, “chân cứng đá mềm” trên con đường ra trận. Suốt 30 năm chiến tranh ròng rã, mọi người lính khi xa nhà đi đến đâu cũng cảm nhận như đang ở nhà mình, như có mẹ mình bên cạnh, chăm sóc lo toan.
Tố Hữu viết trong tác phẩm Bầm Ơi:
“Bao bà cụ từ tâm làm mẹ/ Yêu quý con như đẻ con ra…/ Cho củi con sưởi/ Cho nhà con ngơi…”.
Những người mẹ, người chị, người em gái luôn hết lòng chăm sóc lo toan, thương yêu người lính. Nghĩa tình đó đã liên tục được vun đắp gây dựng trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh vĩ đại chống kẻ thù của dân tộc ta.
Hơn 75 năm qua, tình cảm của bộ đội đối với nhân dân là nhu cầu, là sự tự nguyện. Ở đâu có bom rơi, bão đạn ở đó có bộ đội về bảo vệ nhân dân, ở đâu có lũ lụt thiên tai ở đó có bộ đội về giúp dân gây dựng lại cuộc sống, ở đâu cần con chữ, còn thiếu thốn ánh sáng đời sống văn hóa tinh thần ở đó có bộ đội về với dân… Một nếp sống văn hóa thật tuyệt đẹp chỉ có trong quan hệ quân dân của Bộ đội Cụ Hồ, đúng như lời bài hát: “Đoàn vệ quốc chúng ta từ nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần”.
Gần đây, khi cơn bão số 8, số 9 đổ bộ vào miền Trung nước ta gây ra thiệt hại to lớn về người và vật chất cho nhân dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Nghệ An, không ai khác, bộ đội là những người tiên phong đến với nhân dân ngay những giờ phút khó khăn nhất. Bộ đội kêu gọi, đưa dân đi tránh trú bão; bộ đội lặn lội đi cứu dân khi nghe tin dân gặp nạn, bị cô lập không quản hiểm nguy gian khổ; bộ đội tiên phong đi cứu trợ, giúp tái thiết cuộc sống cho hàng triệu người dân... Dẫu trong thời bình, tướng lĩnh và cán bộ, chiến sĩ quân đội phải hy sinh tính mạng nhưng “vì nhân dân quên mình” nên hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ vẫn anh dũng lao mình vào nơi gian nguy để cứu dân, để phục vụ nhân dân theo “mệnh lệnh từ trái tim mình”.
Những hình ảnh của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 với câu nói cuối cùng, trước khi hy sinh ở Rào Trăng: “Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” và những đơn vị quân đội ở Quân khu 4, Quân khu 5 khi đến với nhân dân vùng lũ lụt ở miền Trung, sự hy sinh anh dũng, cao cả của cán bộ, chiến sĩ khi đi cứu trợ lại một lần nữa tô đậm hình ảnh “vì nhân dân quên mình” của Bộ đội Cụ Hồ.
Dẫu cho các thế lực thù địch vẫn điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, âm mưu “phi chính trị hóa quân đội”, chia rẽ tình đoàn kết quân dân ta, nhưng những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn lên đường với tâm thế “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Ánh lửa đó nhen lên từ tình yêu nhân dân, yêu Tổ quốc vĩ đại, ánh lửa đó đã giúp họ “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Ánh lửa đó được Bác Hồ kính yêu thắp sáng, Đảng dày công luyện rèn, mài dũa ngày càng thêm sáng rực trong trái tim người chiến sĩ, hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Quân đội ta trở nên bách chiến, bách thắng vì đã biết khắc sâu lời dạy của Bác Hồ ngay từ khi mới ra đời: “Mình đánh giặc là vì dân, nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân”.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/250487/bo-doi-cu-ho-vi-nhan-dan-quen-minh.html