Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Hiệu quả từ mô hình nuôi giun quế
Giun quế (hay trùn quế) là loại giun đã được thuần hóa và đưa vào nuôi công nghiệp ở nước ta từ khá lâu. Giun quế mắn đẻ, dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, phát huy hiệu quả rõ rệt khi chăn nuôi khép kín. Vừa qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 313 (Quân khu 2) đã tiến hành khảo sát, nuôi thử nghiệm giun quế, bước đầu thu được kết quả tích cực.
Trò chuyện với Đại úy QNCN Đinh Văn Phong, nhân viên Đội Sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8 (Đoàn KT-QP 313), người được giao nhiệm vụ chăm sóc khu nuôi giun quế của đơn vị, chúng tôi được anh chia sẻ: “Nuôi giun quế chỉ cần chuồng trại kiên cố, có mái che, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn và duy trì độ ẩm phù hợp là giun có thể phát triển tốt. Để nuôi giun quế hiệu quả, chúng tôi rải lớp phân gia súc khoảng 10-15cm ở đáy chuồng nuôi, sau đó rải một lớp sinh khối khoảng 10-15cm lên trên. Hằng ngày, tôi hòa phân gia súc vào nước và tưới cho các chuồng nuôi để bổ sung độ ẩm và thức ăn cho giun. Công việc này chỉ cần khoảng 30 phút là có thể chăm sóc được 60m2 chuồng nuôi giun quế. Loài này sinh sản nhanh, khi đã phát triển ổn định thì cứ 20-25 ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 180kg giun tinh và 3-4 tháng có thể thu hoạch được trên 2 tấn phân giun hữu cơ".
Theo Thiếu tá Nguyễn Minh Thảo, Trưởng phòng Hậu cần-Kỹ thuật Đoàn KT-QP 313: Nuôi giun quế giúp tận dụng triệt để nguồn phân từ các mô hình chăn nuôi của đơn vị. Giun quế sau khi thu hoạch được sử dụng làm thức ăn cho các vật nuôi với chất lượng tốt hơn nhiều so với các loại thức ăn chăn nuôi truyền thống. Thịt giun quế có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các loại chất kích thích sinh trưởng tự nhiên cùng hàng chục loại vitamin, chất khoáng nên rất tốt cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Khi trộn với thức ăn chăn nuôi theo tỷ lệ phù hợp có thể giúp tăng năng suất 15-45%, tùy loại vật nuôi. Ngoài ra, phân giun quế chứa rất nhiều vi sinh vật có lợi, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mầm bệnh và côn trùng gây hại cho cây trồng. Chất nhầy trong phân giun giúp giữ nước cho cây để hấp thụ chất dinh dưỡng, đồng thời giảm sự xói mòn và cải tạo đất rất tốt.
Từ đầu năm 2023, Đoàn KT-QP 313 đã tổ chức khảo sát, học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi, thu hoạch, nhân giống giun quế ở các trang trại, sau đó, triển khai nuôi thử nghiệm với diện tích chuồng 60m2, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 3 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã thu hoạch được 15 lứa giun và khoảng 6 tấn phân giun hữu cơ, giá trị thu lãi ước đạt gần 40 triệu đồng. Từ thành công đó, Đoàn KT-QP 313 đang nghiên cứu, học tập phương pháp chế biến giun quế thành dung dịch để bổ sung vào khẩu phần ăn của các loại vật nuôi nhằm tăng năng suất chăn nuôi; đồng thời, sử dụng phân giun quế để bón lót, bón thúc cho các vườn cây ăn quả, cải tạo chất lượng đất cho vườn ươm cây giống lâm nghiệp...
Đánh giá về tiềm năng của mô hình nuôi giun quế, Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 313 cho biết: “Mô hình nuôi giun quế đang triển khai tại đơn vị bước đầu đem lại hiệu quả tốt. Việc triển khai mô hình khá đơn giản, vốn đầu tư thấp, dễ phát triển, nhân rộng, đem lại sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, mặc dù đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm nhưng Đoàn KT-QP 313 đã tổ chức 5 lượt tham quan, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho đồng bào trên địa bàn các xã Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải và Lao Chải (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đầu tư mở rộng và phát triển mô hình, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no”.
Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.