Bộ GD&ĐT chỉ đạo sau lùm xùm tuyển sinh của trường đại học Thăng Long
Theo đó, bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường có dấu hiệu vi phạm trong công tác tuyển sinh và xử lý theo quy định.
Sau khi trường đại học Thăng Long vi phạm về tuyển sinh bổ sung, gây bức xúc trong dư luận, bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các cơ sở đào tạo đại học về việc rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, trong văn bản, không nhắc cụ thể đến sai phạm của trường đại học Thăng Long.
Cụ thể, ngày 8/10, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các đại học, học viện, trường đại học rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2020.
Theo bộ GD&ĐT, thời gian vừa qua, một số cơ sở đào tạo tổ chức triển khai công tác tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy không thông báo rõ ràng, tổ chức tuyển sinh chưa đảm bảo đúng quy trình và quy định hiện hành... đã gây hiểu sai và bức xúc đối với thí sinh, phụ huynh.
Để đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng trong công tác tuyển sinh, bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng hệ chính quy ngành giáo dục mầm non; trình độ đại học hệ chính quy đảm bảo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh.
Trong đó, Bộ yêu cầu các trường cần lưu ý một số nội dung: Căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học tại trường sau khi xét tuyển bằng các phương thức tuyển sinh trong đề án tuyển sinh đã công bố ở các đợt tuyển sinh trước (kể cả số thí sinh được xét tuyển thẳng và số học sinh dự bị của cơ sở đào tạo; học sinh các trường dự bị đại học được giao về cơ sở đào tạo), hội đồng tuyển sinh của trường xem xét, quyết định các nội dung xét tuyển đợt tiếp theo.
Thời gian xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT phải thực hiện theo hướng dẫn của bộ GD&ĐT. Đợt xét tuyển bổ sung đầu tiên được bắt đầu từ 15/10. Hoạt động xét tuyển bổ sung có thể được kéo dài đến hết năm 2020.
Thông tin xét tuyển bổ sung phải đảm bảo đúng quy định hiện hành, công bằng, công khai, minh bạch trong tuyển sinh; không gây khó khăn, bức xúc đối với thí sinh và xã hội, trong đó, phải công khai đầy đủ các thông tin:
Thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung; điểm nhận hồ sơ xét tuyển các đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1; sau khi kết thúc thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển mới thực hiện xét tuyển để đảm bảo công bằng lấy kết quả từ cao xuống thấp và không vượt quá chỉ tiêu đã xác định.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường công khai các thông tin xét tuyển bổ sung trên trang thông tin điện tử của trường; đồng thời, gửi về vụ Giáo dục đại học (bộ GD&ĐT).
Ngay sau khi kết thúc các đợt xét tuyển, cơ sở đào tạo phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và xác nhận nhập học vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin tuyển sinh.
Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo với bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo.
Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc còn cho biết: “Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo đúng quy định hiện hành”.