Bộ GD&ĐT đẩy mạnh ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới trong trường học
Ngày 23/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết giữa kỳ Dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng tại 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum giai đoạn 2018-2022.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức Plan International Việt Nam 2018-2022 nhằm nhân rộng mô hình trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng đã được thí điểm rất thành công tại Hà Nội từ năm 2014-2016, đến 5 tỉnh miền núi với mục tiêu hướng tới các em học sinh tại các trường dân tộc nội trú và vùng sâu, vùng xa.
Sự hợp tác nhằm hiện thực hóa việc triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông và chiến lược chương trình Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới của Tổ chức Plan International.
Kết quả khảo sát về tình hình bạo lực trên cơ sở giới trong các trường học (BLGTH) tại các tỉnh miền núi được nhóm chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện vào tháng 5/2019 được chia sẻ tại Hội nghị cho thấy BLGTH là một vấn đề đang nổi lên tại các trường nông thôn, miền núi.
Trong năm học nghiên cứu được tiến hành, 82,3% học sinh tham gia khảo sát tại 5 tỉnh miền núi báo cáo đã trải nghiệm BLGTH. Trong số đó, 41% số học sinh được khảo sát cho biết đã trải nghiệm bạo lực thân thể, 75% đã bị bạo lực tinh thần, 39% gặp phải quấy rối và xâm hại tình dục ở trường học và trên đường tới trường.
Con số này phản ánh tình hình BLGTH ở các tỉnh miền núi cũng tương tự như ở các thành phố nếu so với kết quả nghiên cứu đầu kỳ của Dự án tại Hà Nội vào năm 2014, có hơn 70% học sinh báo cáo bị BLGTH, 65% học sinh báo cáo bị bạo lực tinh thần, 31% học sinh bị bạo lực thể chất và 11% học sinh bị bạo lực tình dục trong vòng 6 tháng trước khảo sát (khảo sát tại Hà Nội vào năm 2014).
Rất ít học sinh khi bị bạo lực báo cáo, tìm kiếm sự hỗ trợ từ cha mẹ hay thầy cô, cho dù người gây ra bạo lực là ai và hình thức bạo lực là gì: 50% các em bị bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần thường tự mình giải quyết; 43% học sinh bị quấy rối, xâm hại tình dục im lặng, không báo cáo, chia sẻ với ai; chỉ có 9,5% học sinh chọn cách báo cáo với thầy cô giáo (khảo sát tại 5 tỉnh miền núi vào năm 2019).
Sau hai năm triển khai, Dự án Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng tại 5 tỉnh miền núi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25% (từ 55% năm 2018), giáo viên cũng báo cáo tăng thực hành các hình thức kỷ luật tích cực và giảm trừng phạt thân thể và tinh thần; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp.
Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành, hơn 3/4 đã giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực; hơn 3/4 đã có những thay đổi trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; gần 3/4 đã trao đổi với bạn bè về nội dung các tiết học; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.
Các chuyên gia đánh giá, Dự án đạt được các mục tiêu đã đề ra, bao gồm nâng cao năng lực của các trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trong và xung quanh trường học; học sinh nam và nữ của các trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học.
Các Sở GD&ĐT của 5 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum đã nhân rộng mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng (thêm 10 trường mới mỗi tỉnh) ngay từ đầu năm thứ 3 của dự án, cam kết tiếp tục thực hiện mô hình ở các trường học thực hiện dự án và tiến tới nhân rộng mô hình ra toàn hệ thống trường học tại các tỉnh trong thời gian tới.
Tham luận tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã trình bày về kế hoạch thực hiện dự án; thảo luận các vấn đề về vai trò, trách nhiệm của địa phương, của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các trường học trong phối hợp thực hiện dự án; tập huấn cho đội ngũ giáo viên; cách xây dựng kế hoạch chi tiết và các hình thức tổ chức hoạt động tại các trường học.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, bà Lê Thị Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Mô hình dự án nhân rộng tại các tỉnh miền núi, khó khăn này sẽ được đánh giá tổng thể và tài liệu hóa nhằm đưa ra bằng chứng cho việc duy trì tiếp nhận và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ GD&ĐT trân trọng cảm ơn Tổ chức Plan International Việt Nam đã luôn đồng hành trong xây dựng, thử nghiệm và đề xuất triển khai nhân rộng mô hình thành công trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường nói riêng và xây dựng nền giáo dục toàn diện theo định hướng đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam nói chung.
Video clip giới thiệu về chương trình: