Bộ GD&ĐT dự kiến giảm 5 đơn vị sau sắp xếp bộ máy
Bộ GD&ĐT dự kiến giảm 5 đơn vị sau sắp xếp bộ máy và tiếp nhận chức năng từ Bộ LĐ-TB&XH.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Dự kiến giảm 5 đơn vị
Trước đó, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, 2 đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM) xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi tiếp nhận chức năng từ Bộ LĐ-TB&XH.
Đồng thời, chủ động xây dựng phương án tiếp nhận và sắp xếp, cơ cấu lại, thu gọn đầu mối, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (từ Bộ LĐ-TB&XH chuyển sang), bảo đảm chất lượng và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Năm 2008, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT gồm 27 đơn vị (22 đơn vị cấp vụ và 5 đơn vị sự nghiệp công lập). Năm 2017, có 26 đơn vị (21 đơn vị cấp vụ và 5 đơn vị sự nghiệp công lập).
Từ năm 2022, theo Nghị định 86 của Chính phủ, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT có 23 đơn vị (20 đơn vị cấp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp công lập).
Cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT theo Nghị định 86/2022 gồm: (1) Vụ Giáo dục Mầm non, (2) Vụ Giáo dục Tiểu học, (3) Vụ Giáo dục Trung học, (4) Vụ Giáo dục Đại học, (5) Vụ Giáo dục thể chất, (6) Vụ Giáo dục dân tộc, (7) Vụ Giáo dục thường xuyên, (8) Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, (9) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, (10) Vụ Tổ chức cán bộ, (11) Vụ Kế hoạch - Tài chính, (12) Vụ Cơ sở vật chất, (13) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, (14) Vụ Pháp chế, (15) Văn phòng, (16) Thanh tra, (17) Cục Quản lý chất lượng, (18) Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, (19) Cục Công nghệ thông tin, (20) Cục Hợp tác quốc tế, (21) Báo Giáo dục và thời đại, (22) Tạp chí Giáo dục, và (23) Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT dự kiến có 18 đơn vị (như vậy, Bộ GD&ĐT dự kiến giảm 5 đơn vị sau sắp xếp bộ máy). Trong đó, 15 đơn vị thuộc Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, và 3 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.
Cụ thể: Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Giáo dục Phổ thông, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Vụ Học sinh, sinh viên, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng, Thanh tra, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Cục Khoa học công nghệ và Thông tin, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Báo Giáo dục và thời đại, Tạp chí Giáo dục và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Bộ GD&ĐT dự kiến giảm 5 đơn vị sau sắp xếp bộ máy.
Đề xuất giữ Vụ Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Trung học
Theo Bộ GD&ĐT, cơ quan này đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học. Thời gian tới, việc tham mưu Chính phủ chỉ đạo bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện quy định “giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc” cần đầu tư theo chiều sâu của cấp học.
Giáo dục tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp từ “được chăm sóc” và “chơi” là chính sang giai đoạn “học” đóng vai trò lớn hơn, “chính quy” hơn.
Trong khi đó, ở cấp giáo dục trung học (THCS và THPT), đối tượng học sinh trưởng thành hơn, đội ngũ giáo viên đã được đào tạo cơ bản là cử nhân đại học, chỉ một số là cử nhân cao đẳng.
Do đó, ngoài việc được quy định duy nhất trong các cấp học là “giáo dục bắt buộc”, giáo dục tiểu học cần có những sự quan tâm mang tính cụ thể và chi tiết hơn trong chỉ đạo việc tổ chức dạy và học, về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá.
Giáo dục phổ thông giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để thực hiện tốt vai trò đó, công tác quản lý đối với giáo dục cần có sự chuyên sâu phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, là đối tượng học sinh thuộc giai đoạn “chuyển tiếp” từ bậc mầm non lên trung học.
Bản chất của giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, phổ thông cần cá thể hóa (quan tâm sâu từng cấp học, từng học sinh...), nên cần có những đầu mối chuyên sâu để nghiên cứu về chính sách, hướng dẫn dạy học và các hoạt động giáo dục theo tâm lý lứa tuổi cấp học; chuyên sâu phối hợp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cấp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học... theo từng cấp học, quản lý, tổ chức triển khai cho từng cấp học này.
Do vậy, Bộ GD&ĐT kính đề nghị Chính phủ xem xét giữ nguyên Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học để thực hiện việc quản lý nhà nước về giáo dục đảm bảo tính hệ thống, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Học sinh trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: TT
Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của đại học quốc gia
Bộ GD&ĐT trình dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại học quốc gia để đảm bảo đồng bộ với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ.
Trong đó, xác định rõ vị trí pháp lý và chức năng của hai đại học quốc gia. Đại học quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và sử dụng con dấu có hình Quốc huy.
Đại học quốc gia có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; có một số lĩnh vực đào tạo dẫn đầu trong nước và được xếp hạng cao trên thế giới.
Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT, quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác và UBND cấp tỉnh nơi đại học quốc gia, đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và đơn vị thuộc đại học quốc gia đặt trụ sở trong phạm vi chức năng.
Cùng với đó, cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của đại học quốc gia và vai trò của Bộ GD&ĐT trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của các đại học quốc gia.
Từ năm 2004 đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành và trình ban hành 1.385 văn bản để hoàn thiện thể chế, chính sách theo ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Cụ thể như sau: trình ban hành 5 Luật và Nghị quyết của Quốc hội; trình ban hành 66 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ; trình ban hành 156 Quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ; ban hành 660 Thông tư của Bộ trưởng; ban hành 498 Quyết định cá biệt của Bộ trưởng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-du-kien-giam-5-don-vi-sau-sap-xep-bo-may-post834588.html