Bộ GD&ĐT giám sát triển khai Chương trình mới tại Hưng Yên
Sáng 1/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với Sở GD&ĐT Hưng Yên về giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Đánh giá việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Ông Đỗ Văn Khải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 88/QH13 và Nghị quyết 51/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Hưng Yên có nhiều thuận lợi.
Tỉnh ủy, UBND cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục bằng việc xây dựng và ban hành các chương trình, đề án phát triển giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học.
Công tác tuyên truyền tới nhân dân về những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục luôn được quan tâm. Cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội ủng hộ, quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Ông Đỗ Văn Khải cũng cho hay, theo đánh giá của UBND tỉnh Hưng Yên, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu giáo dục phổ thông là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ. Chương trình kế thừa các nguyên lí giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lí luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.
CT GDPT 2018 định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (phương pháp dạy học tích cực, kỹ thuật dạy học tích cực như phương pháp bàn tay nặn bột, nội dung giáo dục STEM,..). Do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.
Bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong CT GDPT 2018 chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ CT GDPT 2006 nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã nhận thức đầy đủ quan điểm, chủ trương đổi mới của chương trình, kiên định mục tiêu đổi mới. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt và tự chủ của nhà trường, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới.
Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai CT GDPT 2018, tỉnh Hưng Yên cũng gặp khó khăn, hạn chế. Trong đó, đội ngũ giáo viên còn thiếu; tỷ lệ giáo viên/lớp còn thiếu so với quy định ở tất cả các cấp học. Một số giáo viên trẻ đã nghỉ việc và một số giáo viên cao tuổi còn hạn chế về năng lực giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cơ sở vật chất ở một số đơn vị còn thiếu phòng học, tập trung ở cấp học mầm non và tiểu học. Một số trường tiểu học, THCS diện tích khuôn viên, sân chơi, bãi tập còn hẹp so với yêu cầu, phòng học diện tích còn nhỏ hẹp và một số phòng bộ môn và trang thiết bị chưa đáp ứng được công tác giảng dạy, đặc biệt CT GDPT 2018.
Tại buổi làm việc, đại diện các trường phổ thông, cao đẳng, phòng GD&ĐT, UBND cấp huyện tại Hưng Yên chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị khi triển khai CT GDPT 2018. Những vấn đề trên đã được các thành viên đoàn làm việc của Bộ GD&ĐT trao đổi, nêu giải pháp tháo gỡ; đồng thời, lưu ý một số vấn đề khi triển khai chương trình, sách giáo khoa; đội ngũ giáo viên; kinh phí hoạt động...
Đẩy nhanh đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học
Ghi nhận kết quả trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại tỉnh Hưng Yên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD&ĐT Hưng Yên tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vụ, cục trong đoàn làm việc. Từ đó, chuẩn bị để báo cáo với đoàn giám sát một cách rõ ràng, phản ánh đúng, trung thực, khách quan, chính xác.
Thứ trưởng đồng thời cho rằng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và toàn ngành Giáo dục cần nắm chắc các văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu sắc tư tưởng đổi mới. Hiểu rõ những thuận lợi, tồn tại, khó khăn, nguyên nhân cho đến kiến nghị giải pháp để triển khai CT GDPT 2018 tại địa phương được hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cũng cần nắm chắc, rõ về sự khác biệt giữa CT GDPT 2018 và CT GDPT 2006, có sự so sánh, đánh giá để nhận thức kỹ càng về quan điểm, mục tiêu... đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cán bộ quản lý cần hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người làm công tác quản lý, địa phương, phụ huynh học sinh và xã hội trong việc thực hiện chương trình mới.
Dành nhiều thời gian chia sẻ về công tác đổi mới quản lý, quản trị trường học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh ,cần đổi mới tư duy từ quản trị nhân sự sang quản trị nhân lực. Nếu như trong quản trị nhân sự, cán bộ quản lý chú trọng đến tuyển dụng và sử dụng giáo viên; thì chuyển sang quản trị nhân lực, cán bộ quản lý hãy coi giáo viên là tài sản quý giá tạo ra chất lượng giáo dục. Cần có chính sách, hành động chăm lo từ tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Cán bộ quản lý đồng thời phải tạo điều kiện, môi trường để giáo viên phát huy khả năng sáng tạo.
Tại buổi làm việc, hai bên cũng trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề liên quan đến môn Khoa học tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; lựa chọn tổ hợp ở THPT...