Bộ GD&ĐT sửa quy chế thi: Thí sinh không được rời khu vực thi sớm?
Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế thi Tốt nghiệp THPT với nhiều điểm mới liên quan đến những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi; thí sinh không được ra khỏi khu vực thi trong thời gian làm bài.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới liên quan đến thiết bị kỹ thuật, sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; điểm ưu tiên…
Liên quan đến trách nhiệm của thí sinh, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh 2 điểm mới đáng lưu ý gồm:
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi; phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi trước khi ra khỏi phòng thi và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.
Như vậy, điều này khác với trước đây, thí sinh có thể rời khỏi phòng thi, khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài thi.
Thứ 2 là thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT).
Nếu được thông qua, đây sẽ là điểm mới bắt buộc thí sinh phải ghi nhớ. Những năm trước tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT, thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình nhưng không thể nghe, xem và không truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi để giám sát, ghi nhận chứng cứ tiêu cực trong thời gian thi.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD&ĐT các địa phương đã có ý kiến về việc sửa đổi quy chế liên quan đến nội dung này bởi thí sinh lợi dụng quy định này để mang các thiết bị tinh vi vào phòng thi gây khó khăn cho cán bộ coi thi, đe dọa tính an toàn, nghiêm túc của kỳ thi.
Ngoài ra, Dự thảo cũng có nhiều điểm mới khác liên quan đến siết chặt quy trình, hoạt động của công tác in sao đề thi….
Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức và giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.
Dự thảo được Bộ GD&ĐT đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi đến hết ngày 5/3/2023. Những thay đổi kể trên nếu được thông qua sẽ áp dụng luôn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn giữ nguyên phương thức như năm ngoái. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra trong 2,5 ngày với ba bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).