Bộ GD lấy ý kiến về quy định văn bằng trường nước ngoài cấp để sử dụng tại VN
Dự thảo mới thay thế Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT quy định về công nhận văn bằng trường nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam để lấy ý kiến dư luận.
Thông tư này thay thế Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam (sau đây viết tắt là Thông tư 13).
So với Thông tư số 13, dự thảo mới bổ sung thêm 2 điều (Thông tư hiện hành gồm 10 điều, dự thảo gồm 12 điều). Dự thảo mới bỏ Điều 5 về Miễn thực hiện thủ tục công nhận văn bằng (tại Thông tư 13).
Một số điểm đáng chú ý tại Dự thảo mới như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không bao gồm các văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương (do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp) như quy định tại Thông tư 13.
Dự thảo mới cũng quy định rõ và chi tiết hơn nội dung liên quan tới việc công nhận văn bằng. Cụ thể, Dự thảo quy định công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam là việc xác định cấp học, trình độ đào tạo ghi trên văn bằng theo hệ thống giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính và trong trường hợp tương thích thì công nhận tương đương đối với văn bằng trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc bậc trình độ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Đối chiếu với Thông tư 13, dự thảo bổ sung thêm quy định chi tiết về nội dung công nhận văn bằng với các tiêu chí về cấp học, trình độ đào tạo, định hướng của chương trình giáo dục,...
Cụ thể, Dự thảo bổ sung thêm Khoản 2, Điều 2: Nội dung công nhận văn bằng gồm:
a) Cấp học, trình độ đào tạo tương ứng với một trong những hệ thống sau: Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hoặc Khung trình độ quốc gia Việt Nam; Chuẩn phân loại giáo dục quốc tế của UNESCO (ISCED 2011); hệ thống giáo dục hoặc khung trình độ quốc gia của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính;
b) Định hướng của chương trình giáo dục, đào tạo; trình độ đào tạo kế tiếp chấp nhận văn bằng là điều kiện đầu vào.
Về nguyên tắc công nhận văn bằng, dự thảo đã lược bỏ nhiều nội dung so với Thông tư hiện hành. Dự thảo lược bỏ, bổ sung một số nội dung tại Khoản 1, Điều 3; Lược bỏ Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 (Thông tư 13).
Thông tư 13 quy định “Công nhận văn bằng được thực hiện theo nhu cầu của người có văn bằng, cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng (sau đây gọi chung là người đề nghị công nhận văn bằng)”.
Tuy nhiên, tại dự thảo, đối tượng “cơ quan quản lý về nhân sự hoặc đơn vị quản lý lao động khi được sự đồng ý của người có văn bằng” không còn được nhắc đến.
Liên quan tới điều kiện công nhận văn bằng, Dự thảo cũng không còn quy định về các nội dung văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp kết hợp trực tuyến như tại Thông tư 13.
Dự thảo mới bổ sung quy định: Đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện tại Việt Nam, các cơ sở giáo dục Việt Nam phải xác nhận bằng văn bản về việc chương trình liên kết đáp ứng quy định về liên kết đào tạo và văn bản phê duyệt liên kết đào tạo của cấp có thẩm quyền theo quy định.
Về trình tự công nhận văn bằng, dự thảo mới hướng dẫn chi tiết các trình tự, thời gian thực hiện, tất cả thủ tục đều tiến hành trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung thêm điều kiện về điều chỉnh thông tin và cấp lại giấy công nhận văn bằng cho người có văn bằng. Khác với Thông tư 13 hiện hành, không có quy định về chỉnh sửa giấy công nhận văn bằng.
Dự thảo cũng quy định rõ hơn về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Cục quản lý chất lượng và Trung tâm Công nhận văn bằng (thuộc Cục quản lý chất lượng).
Dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp đến ngày 12/08/2023. Địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý: Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (số 35 Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); file word văn bản góp ý gửi qua email: phongqlvbcc@moet.gov.vn.
Chi tiết những thay đổi của Dự thảo so với Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đối sánh như sau: