Bộ GDĐT yêu cầu bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/ lớp ở trường mầm non
Mới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2023 - 2024
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 10/8/2023, Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành Công văn 4128/BGDĐT-GDMN hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 với một số mục tiêu trọng tâm như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước về giáo dục mầm non; chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, thực hiện tốt dân chủ cơ sở; tăng cường quản lí, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lí và nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Thứ hai, củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với công tác rà soát sắp xếp, quy hoạch; tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục mầm non, khả năng và nhu cầu của trẻ;
Tiếp tục thực hiện các chuyên đề, chương trình để đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em.
Thứ tư, đảm đảm các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non: về số lượng giáo viên, bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/ lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ quản lí và giáo viên mầm non, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo viên mầm non.
Thứ năm, thực hiện Chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm” gắn kết với việc nâng cao chất lượng thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”.
Một số nhiệm vụ cụ thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn như sau:
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục
Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục mầm non.
Trong đó, ưu tiên mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học, tài liệu học liệu nâng chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới.
Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi cần được củng cố, duy trì và nâng cao, hướng đến phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo ở những nơi có điều kiện, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác quản lý, tổ chức các hoạt động trong cơ sở giáo dục mầm non.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, kịp thời về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong cơ sở giáo dục mầm non.
Tăng cường cơ sở vật chất song song với phát triển hệ thống trường, lớp
Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, cần đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách đầu tư, xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non theo quy định của Chính phủ.
Khai thác hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030, ưu tiên đầu tư cho cấp học mầm non.
Trong đó, tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã, huyện, thị trấn thuộc miền núi, biên giới, hải đảo.
Tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn, bảo đảm tỉ lệ 01 phòng học/nhóm, lớp. Nâng cao tỉ lệ phòng học kiên cố, thay thế phòng học tạm/nhờ/mượn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành.
Bố trí kinh phí và huy động nguồn lực để mua sắm bổ sung các đồ dùng, đồ chơi, thiết bị, tài liệu, học liệu để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo yêu cầu chuẩn hóa và hiện đại.
Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi
Các địa phương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp; chỉ đạo Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp thực hiện nghiêm túc Nghị định số 20/2014/NĐ-CP và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT.
Tiến hành thực hiện công tác kiểm tra, thẩm định, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi bảo đảm quy định.
Theo đó, xây dựng kế hoạch thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo tại các tỉnh, thành phố (theo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt).
Các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung đủ đội ngũ và cơ sở vật chất cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.
Các giải pháp hỗ trợ các đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi cần được đề xuất cụ thể, phù hợp với tình hình của địa phương.
Nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em
Thực hiện nghiêm túc quy định về xây dựng trường học an toàn. Cụ thể, phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống bạo hành trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non.
Phối hợp với ngành y tế bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định.
Số bữa ăn đáp ứng nhu cầu khuyến nghị, phân bố bữa ăn phù hợp với từng độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, thời gian tổ chức ăn cho trẻ thực hiện theo lịch sinh hoạt hằng ngày bảo đảm đúng quy định tại Chương trình giáo dục mầm non.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và sự tham gia giám sát của Ban đại diện cha mẹ trẻ em trong việc bảo đảm chất lượng bữa ăn và an toàn thực phẩm, kịp thời chấn chỉnh, xử lí những sai phạm trong công tác nuôi dưỡng cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Tập trung đề xuất các giải pháp thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ em làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương gắn các tiêu chí của chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2021-2025” trong thực hiện.
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện và phát triển Chương trình giáo dục mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt quan tâm hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm, lớp độc lập tư thục ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Có giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục công bằng, hòa nhập, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục triển khai thực hiện giáo dục hòa nhập có chất lượng đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Nâng cao hơn nữa việc truyền thông về giáo dục trẻ khuyết tật, bảo đảm chính sách cho trẻ khuyết tật và cơ sở giáo dục mầm non có trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" (Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 02/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ), trọng tâm khai thác các yếu tố như: văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
Đặc biệt, quản lý, đảm bảo chất lượng triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh ở nơi có điều kiện theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT và các văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Trên cơ sở đó, triển khai sơ kết 03 năm thực hiện Thông tư về việc thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị triển khai thực hiện thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiến hành tổ chức tập huấn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non các đơn vị triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới từ tháng 2/2024 theo Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non
Căn cứ các quy định hiện hành có giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm đủ về số lượng, bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/lớp, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng trong tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non.
Chủ động đổi mới phương pháp giáo dục trẻ em, linh hoạt thực hiện các hoạt động giáo dục, điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu, khả năng khác nhau của trẻ em và điều kiện thực tiễn của trường, lớp.
Xem chi tiết văn bản TẠI ĐÂY.