'Bố già' khét tiếng Mexico đã bị bán đứng sang Mỹ như thế nào?
Ismael Zambada García, người được mệnh danh là 'bố già' Mexico, đã bị bắt sau hàng thập kỷ lẩn trốn. Đằng sau chiến dịch khó tin này là câu chuyện về sự lừa dối và phản bội.
Những gì xảy ra với Ismael Zambada García - 76 tuổi - nghe như những tình tiết khó tin trong một bộ phim về tội phạm ma túy: Một trong những ông trùm băng đảng lớn nhất Mexico bị lừa lên máy bay, qua biên giới và giao cho các đặc vụ liên bang Mỹ bởi chính con trai của người “bằng hữu” trước đây.
Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào tối 25/7, khi một máy bay Beechcraft King Air hạ cánh tại sân bay ở ngoại ô El Paso (Texas). Sau đó, một trong những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất Mexico bước xuống: Ismael Zambada García, người đồng sáng lập băng đảng ma túy khét tiếng Sinaloa, theo New York Times.
Zambada, được biết đến với biệt danh El Mayo, đã thoát khỏi sự truy bắt của cả giới chức trách Mỹ và Mexico suốt nhiều thập kỷ, sống cuộc sống xa hoa ở vùng núi Sinaloa. Giới chức Mỹ từng treo thưởng 15 triệu USD cho những thông tin về ông.
Cuối cùng, ông trùm khét tiếng này bị phản bội bởi một nhân vật không ngờ: Một trong những người con trai của đồng minh thân cận nhất - Joaquín Guzmán Loera, trùm ma túy khét tiếng được biết đến với biệt danh El Chapo - người đang thụ án tù chung thân tại một nhà tù liên bang Mỹ, giới chức nước này tiết lộ.
Sự phản bội khó tin
Con trai của El Chapo, Joaquín Guzmán López, đã lừa Zambada lên máy bay, nói với ông rằng họ sẽ đi xem bất động sản ở miền Bắc Mexico. Song ông trùm này không biết rằng thực chất ông đang trên đường đến Texas, nơi ông sẽ bị giao cho các đặc vụ Mỹ.
Chuyến bay kịch tính qua biên giới được tiến hành sau nhiều năm liên lạc âm thầm giữa Guzmán López và một nhóm đặc vụ từ FBI và Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ, những người đã kiên trì truy lùng Guzmán López và 3 người anh em, cùng ông Zambada sau lần bắt giữ thành công ông El Chapo 5 năm trước.
Hiện chưa rõ các đặc vụ đã lên kế hoạch hay chỉ đạo chiến dịch hôm 25/7 như thế nào, song họ biết ông Zambada đang trên máy bay tiến gần đến biên giới Mỹ, hai nguồn tin tiết lộ.
Vụ bắt giữ dấy lên hàng loạt câu hỏi ở Mexico khi chính phủ nước này thừa nhận họ không tham gia và không biết gì về chiến dịch này cho đến khi Đại sứ quán Mỹ thông báo rằng Zambada và Guzmán López đã bị bắt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên sáng 26/7, Bộ trưởng An ninh Mexico Rosa Icela Rodríguez cho biết cơ quan này không rõ liệu vụ bắt giữ có phải là một phần thỏa thuận giữa Guzmán López và các công tố viên Mỹ hay không.
"(Chúng tôi) sẽ tìm hiểu liệu đó là một vụ bắt giữ hay đầu thú", bà Rodríguez nói. "Chính phủ Mỹ sẽ phải giải thích điều đó".
Tổng thống Andrés Manuel López Obrador cũng cho biết chính quyền Mexico hy vọng Mỹ sẽ cung cấp "báo cáo đầy đủ" về các vụ bắt giữ, bao gồm cả một thỏa thuận với Zambada hay Guzmán López nếu có.
"Đó không phải thiếu tin tưởng. Điều mà chúng tôi luôn yêu cầu là sự tôn trọng”, ông Obrador nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Rodríguez tiết lộ theo thông tin giới chức Mexico thu thập được, một chiếc máy bay Cessna tư nhân đã chở hai ông trùm tội phạm rời nước này, đồng thời công khai xác định phi công là một công dân Mỹ tên Larry Curtis Parker. Theo bà, máy bay cất cánh vào khoảng 8h sáng 25/7.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết máy bay chở hai ông trùm rời Hermosillo là một chiếc Beechcraft, rời sân bay vào khoảng 14h cùng ngày.
New York Times đã liên hệ với một công dân Mỹ tự xưng là ông Parker. Người này cho biết các quan chức Mexico đã sai. Ông Parker thừa nhận lái một chiếc Cessna nhỏ vào sáng 25/7 và trông thấy một chiếc Beechcraft đỗ gần máy bay của mình tại sân bay Hermosillo.
Ông khẳng định bản thân không liên quan gì đến các nhân vật trong băng đảng ma túy. “Tôi chỉ là một người Mỹ chăm chỉ, trong sạch”, ông nói.
Một quan chức từ Bộ An ninh Mexico cũng tiết lộ cơ quan này sẽ điều tra xem có sự nhầm lẫn nào trong việc xác định danh tính phi công hay không. Ông từ chối công khai danh tính.
Nguy cơ bạo lực
Hiện không có yêu cầu dẫn độ chính thức đối với ông Zambada, người đã bị truy tố tại Mỹ trong hơn hai thập kỷ với các cáo buộc âm mưu buôn bán ma túy ở nhiều bang. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần để tuột mất Zambada ở Mexico, dù có sự giúp đỡ từ các binh sĩ tinh nhuệ thuộc hải quân nước này.
Khi lừa ông Zambada lên máy bay, Guzmán López dường như đã trao cho người Mỹ phần thưởng mà họ muốn từ lâu. Điều này cũng có nghĩa Guzmán López sẽ tăng cơ hội đạt được một thỏa thuận có lợi cho bản thân và người anh Ovidio Guzmán López đang bị giam giữ tại Mỹ.
Tính đến ngày 26/7, Zambada đã từ chối xuất hiện trước phiên điều trần tại tòa án liên bang ở El Paso, phủ nhận mọi cáo buộc âm mưu buôn bán ma túy thông qua một luật sư. Ông bị giam giữ chờ phiên điều trần dự kiến vào ngày 31/7.
Trong khi đó, Guzmán López dự kiến xuất hiện tại phiên điều trần đầu tiên tại tòa án liên bang ở Chicago vào ngày 30/7.
Trước vụ bắt giữ, các đặc vụ Mỹ đã duy trì một kênh liên lạc bí mật với Guzmán López. Chiến dịch được tăng cường sau khi Ovidio bị dẫn độ và đối mặt với phiên tòa tại Chicago vào tháng 9/2023, ba nguồn tin tiết lộ.
Các quan chức Mỹ cũng đã âm thầm đàm phán với Zambada về việc đầu thú trong ít nhất 3 năm, dù các cuộc đàm phán này không thể đi đến thỏa thuận.
Việc bắt giữ Zambada - người từ lâu được coi là "bố già" trong thế giới ngầm ở Mexico và là một trong những ông trùm khôn ngoan, kín tiếng nhất - đã gây chấn động khắp nước, giáng một đòn mạnh vào giới tội phạm có tổ chức.
"Vụ bắt giữ này thực sự có thể làm rung chuyển thị trường Mexico", ông Vanda Felbab-Brown, thành viên cao cấp tại Viện Brookings và là chuyên gia về chính sách ma túy toàn cầu, nhận định. Ông nói thêm rằng nó có thể châm ngòi cho "tình trạng bạo lực và bất ổn trên khắp châu Mỹ".
Ông Eduardo Guerrero, nhà phân tích an ninh từ Mexico City, cũng đồng tình nếu Zambada thực sự bị phản bội, "sẽ có xung đột trong băng đảng Sinaloa", dẫn đến làn sóng bạo lực trong những tuần tới. Mặt khác, việc băng đảng Sinaloa suy yếu cũng có thể thúc đẩy các băng đối thủ như Jalisco New Generation Cartel tranh giành lãnh thổ.
Hôm 26/7, ít nhất 200 thành viên Lực lượng Đặc biệt Mexico đã được điều đến Culiacán, thành trì của băng đảng Sinaloa, để tăng cường an ninh, quân đội Mexico cho biết trong một tuyên bố.
Vụ bắt giữ cũng có thể kéo theo tác động chính trị, nhất là khi Zambada quyết định hợp tác với các giới chức Mỹ và tiết lộ thông tin về tình trạng tham nhũng ở Mexico.
Trong vài tháng qua, làn sóng bắt giữ các thành viên cấp cao đã khiến băng đảng Sinaloa chao đảo. Song giới chuyên gia cho rằng điều này không đủ để cản trở dòng chảy fentanyl và các loại ma túy khác qua biên giới.
"Đó không phải một đòn chí tử", ông Valentin Pereda, giáo sư tội phạm học tại Đại học Montreal, nói. "Những thành viên của Sinaloa cũng từng đau buồn vì vụ bắt giữ El Chapo. Nhưng băng đảng này vẫn sống sót và tiếp tục phát triển".
Bà Felbab-Brown cũng nhận định “phải mất hàng tháng trời xung đột nội bộ” trong băng đảng thì thế giới mới có thể thấy dòng chảy fentanyl thay đổi. "Chúng ta còn cách thời điểm đó rất xa", bà nói.