Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét cân đối vốn đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường tại Ninh Thuận

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhất trí đề xuất cân đối nguồn vốn để hoàn thiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn còn lại của Quốc lộ 27 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; đồng thời, đầu tư tuyến đường kết nối cảng Cà Ná đến đến các tỉnh Nam Tây Nguyên...

Nhiều dự án giao thông, hạ tầng có quy mô lớn, có tính lan tỏa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tập trung thúc đẩy để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Nhiều dự án giao thông, hạ tầng có quy mô lớn, có tính lan tỏa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được tập trung thúc đẩy để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Ngày 26/7 tại trụ sở Bộ Giao thông vận tải, Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Thành viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh...

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2023, nhiều ngành, lĩnh vực đều ghi nhận sự tăng trưởng.

TẬP TRUNG DỰ ÁN KẾT NỐI LIÊN VÙNG

Cụ thể, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 đạt 12.311 tỷ đồng, tăng 7,95% so cùng kỳ, xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung; thu ngân sách nhà nước đạt 1.820 tỷ đồng, đạt 49,8% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.587 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch, tăng 6,9%...

Về đầu tư công, lãnh đạo tỉnh triển khai nghiêm túc các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tỉnh phân bổ chi tiết vốn được giao năm 2023 đạt 91,3% kế hoạch. Đến ngày 20/7/2023, tỉnh giải ngân 889 tỷ đồng/2.874 tỷ đồng kế hoạch vốn phân bổ chi tiết, đạt 31% kế hoạch.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7.587 tỷ đồng, đạt 34,2% kế hoạch, tăng 6,9% so cùng kỳ, trong đó vốn ngân sách nhà nước 2.558 tỷ đồng, đạt 60,1% kế hoạch, vốn thành phần kinh tế và dân cư 5.028 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.

Công tác thu hút đầu tư được tỉnh tập trung triển khai bảo đảm tính công bằng, minh bạch, nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế được tăng cường, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực tỉnh có lợi thế, tiềm năng, trong đó, nổi bật là thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, phát triển công nghiệp, hạ tầng đô thị.

Nhiều dự án có quy mô lớn, có tính lan tỏa được triển khai thực hiện tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thành Hải, các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng như: đường nối từ cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná, đường nối từ thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng...

Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của tỉnh nói chung; phục vụ nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu nông sản của các tỉnh Tây Nguyên về cảng, kết nối các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ.

Tại buổi làm việc, tỉnh Ninh Thuận đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh về nhóm cơ chế chính sách; đầu tư công; chủ trương đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, kết nối.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cân đối nguồn vốn, hoàn thiện việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn còn lại của Quốc lộ 27 qua địa tỉnh; bổ sung đường gom dân sinh tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam; giải quyết nứt nhà dân do ảnh hưởng thi công Quốc lộ 1.

Cùng với đó, bổ sung chức năng tiếp nhận tàu khách quốc tế tại khu bến cảng Cà Ná; bổ sung 2 vị trí cảng cạn Cà Ná, huyện Thuận Nam và cảng cạn Du Long, huyện Thuận Bắc vào quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam.

Tỉnh cũng đề nghị xây dựng đường gom dọc theo tuyến đường sắt Bắc - Nam và các cầu vượt đường sắt Phước Dân và Tháp Chàm; đầu tư tuyến đường sắt nối ga Cà Ná đến cảng tổng hợp Cà Ná tạo động lực thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó, đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm- Đà Lạt.

Ở dự án này, địa phương thống nhất sẽ hỗ trợ phần giải phóng mặt bằng. Trong đó, địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 50km, kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1.000 tỷ đồng. Số vốn này sẽ được sớm cân đối để phục vụ việc triển khai dự án nếu được phê duyệt.

TẬN DỤNG TIỀM NĂNG, LỢI THẾ TỪ CÁC TUYẾN CAO TỐC

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tình nhìn chung đang duy trì ổn định và có nhiều điểm sáng bởi GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,95% so cùng kỳ, là 1 trong 8 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Bên ạnh đó, về sản xuất công nghiệp, các sản phẩm chủ lực phục hồi và tăng trưởng khá cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so cùng kỳ. Về đầu tư công, giải ngân đạt 31% kế hoạch vốn phân bổ chi tiết; chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 đạt 90,1%, năm 2023 đạt 40,3%.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, có giải pháp toàn diện, khả thi để khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là khi các tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng, tiềm năng hiện tại cần được hiện thực hóa thành của cải, vật chất cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, có giải pháp toàn diện, khả thi để khai thác tiềm năng, lợi thế, nhất là khi các tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng, tiềm năng hiện tại cần được hiện thực hóa thành của cải, vật chất cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhất trí đề xuất của địa phương trong việc rà soát, bổ sung đường gom tại các công trình cao tốc như Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đảm bảo tính thiết yếu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đặc biệt lưu ý địa phương phải tăng cường hơn nữa việc phối hợp với các đơn vị trong khảo sát, thiết kế dự án.

Với các dự án hiện nay, ngay ở bước khảo sát thiết kế, Bộ Giao thông vận tải làm việc với ban, ngành, địa phương thống nhất hạng mục đường gom, đường dân sinh, cầu vượt. Việc bổ sung các hạng mục sau này sẽ làm tăng tổng mức đầu tư và phát sinh thời gian đàm phán, điều chỉnh hợp đồng. Để hạn chế tình trạng này, địa phương cần xem xét trách nhiệm đơn vị liên quan trong công tác phối hợp thiết kế.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh Ninh Thuận cân đối nguồn vốn, hoàn thiện đầu tư đoạn tuyến còn lại của Quốc lộ 27, xử lý dứt điểm vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các bộ liên quan cùng với Bộ Giao thông vận tải cân đối nguồn vốn đầu tư dự án từ cảng Cà Ná đến các tỉnh Nam Tây Nguyên.

Đồng thời, phối hợp hỗ trợ địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề lớn như: đầu tư đường dây 500kV Ninh Sơn - Chơn Thành; tổng kết Nghị quyết 115 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế-xã hội...

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-van-tai-se-xem-xet-can-doi-von-dau-tu-nang-cap-nhieu-tuyen-duong-tai-ninh-thuan.htm