Bộ Giao thông vận tải truy trách nhiệm với 3 dự án 'đội vốn' nghìn tỷ tại Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết có ba dự án tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư tương đối cao. Bộ Giao thông vận tải đang kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử phạt các đơn vị liên quan. Trong đó, sẽ xử nghiêm các đơn vị tư vấn, thậm chí hạn chế tham gia các dự án khác của Bộ...
Chiều 6/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn các tư lệnh ngành.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu rõ 2/3 tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dành cho ngành giao thông vận tải nhưng các dự án giao thông ở tất cả các nhóm, kể cả các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư. Điều này cho thấy công tác chuẩn bị chủ trương đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư là không chính xác.
Trong khi đó, hồ sơ trình đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn và các dự án thì đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.
Vì vậy, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai và cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện.
Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải được giao 64 dự án với tổng kinh phí là 300.000 tỷ đồng. Đến nay, đã phê duyệt 60 dự án và đang triển khai. Về cơ bản các dự án tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư hoặc nếu có thì rất ít.
Tuy nhiên, có ba dự án ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng tổng mức đầu tư tương đối cao, đó là dự án cầu Rạch Miễu 2 nối giữa Bến Tre - Tiền Giang, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp), cao tốc An Hữu - Cao Lãnh (Đồng Tháp - Tiền Giang).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, nguyên nhân dẫn đến các dự án trên "đội vốn" do thời gian khảo sát thiết kế dự án rơi vào đúng thời gian dịch năm 2020 - 2021 dẫn đến công tác khảo sát chưa triệt để, đặc biệt, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương khi triển khai chính thức khác với khi khảo sát.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc xem xét trách nhiệm và gửi văn bản tới các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý trách nhiệm.
"Đặc biệt, xử phạt nghiêm khắc các đơn vị tư vấn về phạt tiền và hạn chế tham gia các dự án khác của Bộ Giao thông vận tải", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Bộ Giao thông vận tải sẽ có chế tài xử phạt với các nhà thầu, ban quản lý dự án, chủ đầu tư và các cơ quan thẩm định thuộc Bộ, đồng thời, kiểm điểm và xem xét trách nhiệm.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang trong quá trình xử lý.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, với tổng mức đầu tư của dự án tăng hơn 1.600 tỷ đồng và thời gian hoàn thành sẽ là năm 2026 thay vì 2025.
Bộ Giao thông vận tải cho biết trong quá trình triển khai dự án, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng khoảng 1.964 tỷ đồng. Trong đó, thay đổi về bồi thường đất tăng 1.714 tỷ đồng; thay đổi về bồi thường nhà ở, khối lượng cây trồng, hoa màu, di dời hạ tầng và các chính sách hỗ trợ tăng khoảng 203,5 tỷ đồng do cập nhật theo cơ chế, chính sách và đơn giá bồi thường theo khung chính sách và quy định của địa phương…
Về cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, tổng mức đầu tư tăng 1.936 tỷ đồng, trong đó, dự án thành phần 1 tăng khoảng 151 tỷ đồng; dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.785 tỷ đồng.
Theo đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 1.034 tỷ đồng chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư. Chi phí xây dựng, thiết bị tăng 828 tỷ đồng do bổ sung đường gom dân sinh, hiệu chỉnh giải pháp xử lý đất yếu, hiệu chỉnh thiết kế, tối ưu hơn các hạng mục công trình;
Còn dự án đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh "đội" vốn 1.439 tỷ đồng so với phương án đã được phê duyệt. Do tuyến đi qua khu vực địa chất phức tạp, chiều sâu đất yếu lớn dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng khoảng 353 tỷ đồng khi được cập nhật trên cơ sở số liệu rà soát thực tế; chi phí xây dựng cũng tăng 788 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác tăng khoảng 80 tỷ đồng…
Cũng trong phiên chất vấn, Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình), cho biết quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm.
Trước đây, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề cập tới vấn đề này. Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp này, đại biểu có nêu vấn đề tại sao nhiều tuyến đường cao tốc phải hoàn thành, đi vào vận hành khai thác chỉ cho phép tối đa là 80km/h, như vậy là chưa giảm áp lực lưu thông.
Về vấn đề này, trả lời Đại biểu Trần Quang Minh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cho biết hiện Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc với 4 giới hạn tốc độ là 120km/h, 100km/h, 80km/h và 60km/h.
Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh theo quy hoạch có thể chạy tối đa 120km/h như tuyến Hạ Long - Móng Cái, Hà Nội - Hải Phòng.
Từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn và kết quả nghiên cứu cho thấy rằng các tuyến quy định 80km/giờ có thể nâng lên 90km/h. Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc và dự kiến năm 2024 sẽ thay đổi giới hạn tốc độ tối đa.