Bộ GTVT dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công

Bộ GTVT là cơ quan sử dụng vốn đầu tư công nhiều nhất (hơn 94.161 tỷ đồng), lại có tỷ lệ giải ngân cao nhất (24,27%) cao nhất cả nước đã đẩy tỷ trọng giải ngân chung của 17 bộ, cơ quan Trung ương lên cao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tỷ lệ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, ngành

Hôm nay (27/4), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 bộ, cơ quan trung ương gần 111.768 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỷ đồng, đạt 94% và số vốn chưa phân bổ chi tiết hơn 6.632 tỷ đồng.

Theo Bộ KH&ĐT, lý do chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao chủ yếu do: Các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; Các dự án sử dụng nguồn vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; Chưa thể giao kế hoạch cho các dự án từ nguồn sắp xếp, xử lý nhà đất và một số nguyên nhân khác.

Về kết quả giải ngân, Bộ KH&ĐT cho biết, dự kiến đến hết tháng 4/2023, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, tổng số vốn đã giải ngân của 17 bộ, cơ quan trung ương khoảng 23.741 tỷ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%).

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho biết, tỷ lệ này không đồng đều giữa các bộ, cơ quan trung ương; Chủ yếu do Bộ GTVT là cơ quan sử dụng vốn đầu tư công nhiều nhất (hơn 94.161 tỷ đồng), lại có tỷ lệ giải ngân cao nhất (24,27%) đã đẩy tỷ trọng giải ngân chung của 17 bộ, cơ quan Trung ương lên cao.

Trong khi đó, các bộ, cơ quan còn lại có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 10%) như: Bộ Xây dựng (5,56%), Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam (5,52%), Bộ TN&MT (5,24%), Bộ Công thương (5,17%), Đại học Quốc gia Hà Nội (3,84%), Bộ Khoa học và công nghệ (3,4%),….

Tại cuộc họp, đại diện một số bộ, cơ quan Trung ương cho biết, kết quả giải ngân thấp do một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vượt thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, các dự án sử dụng nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.

Bên cạnh đó, đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan Trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng. Ngoài ra, dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân.

Thi công cầu Mỹ Thuận 2

Thi công cầu Mỹ Thuận 2

Nhiệm vụ còn rất nặng nề

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, làm việc sát với các địa phương để tháo gỡ từng dự án.Đồng thời, phải chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành những văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, nhất là cho những dự án lớn, quan trọng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh.

Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân khoảng 75.329 tỷ đồng

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, đại diện Vụ KH&ĐT (Bộ GTVT) cho biết, năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn 94.161 tỷ đồng.

Đến nay, Bộ GTVT đã giao chi tiết cho các dự án với tổng số 94.135 tỷ đồng (đạt 99,97%). Còn lại 26,331 tỷ đồng kế hoạch được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương chưa thể phân bổ do chưa có kế hoạch trung hạn, nên theo quy định tại Điều 54 Luật đầu tư công, chưa đủ điều kiện để thực hiện phân bổ chi tiết khoản vốn này.

Ước tính đến hết tháng 4/2023, Bộ GTVT giải ngân đạt khoảng 21.809 tỷ đồng, gồm: 11.877 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 9.087 tỷ đồng từ nguồn vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 845 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài.

Theo đại diện Vụ KH&ĐT, mặc dù kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm của Bộ GTVT cao hơn mức bình quân chung, tuy nhiên dự kiến trong những tháng tới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chủ yếu do năm 2023, Bộ GTVT xây dựng nhu cầu kế hoạch đầu tư vốn NSNN là 71.439 tỷ đồng (gấp 1,3 lần kế hoạch vốn năm 2022), đây là khả năng giải ngân tối đa được xây dựng trên cơ sở tính toán rút ngắn tối đa thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công triển khai "ba ca, bốn kíp".

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch lên tới hơn 94.161 tỷ đồng (gấp 1,3 lần kế hoạch vốn năm 2022 và cao hơn 22.722 tỷ đồng so với nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của các dự án).

"Bộ GTVT sẽ quyết tâm, nỗ lực tối đa để giải ngân cao nhất kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được giao. Ước giải ngân năm 2023 của Bộ GTVT khoảng 75.329 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch do Bộ GTVT xây dựng và đạt 80% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao", đại diện Vụ KH&ĐT thông tin.

Đình Quang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/bo-gtvt-dan-dau-ca-nuoc-ve-giai-ngan-von-dau-tu-cong-183230427173102524.htm