Kinh tế Quảng Nam khởi sắc trở lại

Chiều 9-7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi Họp báo nhằm thông báo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp.

Đại diện các Sở, ban, ngành trả lời một số câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp.

Đại diện các Sở, ban, ngành trả lời một số câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Nam đánh giá, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm đã khởi sắc hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển trong những tháng còn lại của năm 2024. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ; tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%); quy mô nền kinh tế gần 59 nghìn tỷ đồng; xếp vị thứ 26/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Bình Định).

Tuy nhiên cũng theo đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Tình hình kinh tế có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp; một số nguồn thu đạt thấp; doanh nghiệp của tỉnh vẫn gặp khó khăn với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; công tác lập Quy hoạch chung, Quy hoạch nông thôn mới tại một số địa phương còn chậm. Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ; tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi và phát triển kinh tế còn chậm.

Tình hình ANTT vẫn tiềm ẩn yếu tố khó lường; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương. Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông đường bộ, số người chết và số người bị thương đều tăng, với: 216 vụ, tăng 124 vụ; làm chết 89 người, tăng 12 người; bị thương 186 người, tăng 120 người…

Về nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024; thường xuyên rà soát, thống kê, báo cáo các dự án chậm tiến độ để đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm từng dự án hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo để thúc đẩy tiến độ các dự án. Tiếp tục giải quyết dứt điểm những tồn đọng đã có kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã có một số câu hỏi liên quan đến tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó nổi bật như: Nguyên nhân nhiều dự án được đầu tư hàng trăm tỷ đồng ven biển tỉnh Quảng Nam nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua; việc sắp xếp, tổ chức bộ máy cán bộ và tài sản dôi dư sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính; nhiều mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh không hoàn thổ sau nhiều năm khai thác; các mỏ khoáng sản vật liệu thông thường được cấp phép để thực hiện dự án đầu tư công nhưng không thông qua đấu giá, vậy việc tính thuế tài nguyên như thế nào; liên quan đến việc Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam do tư nhân sở hữu 100% cổ phần, việc nhà nước muốn lấy lại số cổ phần tại đơn vị này được không?

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/kinh-te-quang-nam-khoi-sac-tro-lai-post297792.html