Bộ GTVT đứng đầu cả nước về giải ngân đầu tư công
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ GTVT đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách cao nhất cả nước trong 9 tháng.
Bộ GTVT giải ngân gần 56.000 tỷ đồng
Ngày 18/10, Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo chuyên đề "Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước" trong khuôn khổ Diễn đàn "Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán nhà nước".
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2023 là hơn 363 nghìn tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn NSNN đã giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2022.
Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng.
Trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40.000 tỷ đồng/tháng (cùng kỳ 2022 chỉ đạt 29.000 tỷ đồng).
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải đứng đầu trong số những bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN cao nhất cả nước trong 9 tháng (hơn 55.917 tỷ đồng).
Đứng thứ hai là TP Hà Nội (hơn 25.250 tỷ đồng), tiếp đến là TP.HCM (gần 22.000 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (gần 13.400 tỷ đồng), Bình Dương (11.120 tỷ đồng), thành phố Hải Phòng (hơn 10.850 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (hơn 8.790 tỷ đồng), Long An (gần 8.270 tỷ đồng).
Những nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chưa hiệu quả
Đánh giá về tiến độ, đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho rằng đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công thông thường những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Bà Nghĩa chia sẻ bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.
Bộ GTVT
55.917
Hà Nội
25.251
TP.HCM
22.987
Bộ Quốc phòng
13.396
Bình Dương
11.120
Hải Phòng
10.859
Bà Rịa - Vũng Tàu
8.798
Long An
8.269
Ông Doãn Anh Thơ, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP và đầu tư, công đang là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì những hạn chế trên cần phải sớm khắc phục, đặc biệt tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng đã kéo dài nhiều năm qua.
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Thơ đánh giá mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật NSNN cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp; công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn, từng dự đầu tư.
Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền, giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tăng cường, thiếu hiệu quả...
Theo đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư công, giảm thủ tục hành chính (cấp phép nguyên vật liệu, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ...) trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho đất nước.