Bộ GTVT 'mở đường' chuẩn bị kiểm tra khí thải xe máy

Để thực hiện quy định kiểm tra khí thải xe máy theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ GTVT đang đề xuất một số quy định về điều kiện mở cơ sở kiểm định khí thải đối với phương tiện này.

Bộ GTVT đang tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai việc kiểm định khí thải xe máy.

Cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe máy có thể đáp ứng điều kiện

Pháp luật hiện hành đang quy định khá chặt đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe ô tô và quy trình kiểm định đối với phương tiện bốn bánh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và quy trình kiểm định khí thải đối với xe hai bánh.

Trong khi đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-1-2025 quy định phải thực hiện kiểm định khí thải đối với xe hai bánh. Để tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực, Bộ GTVT đang tham mưu Chính phủ bổ sung thêm quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định, cơ sở kiểm định xe hai bánh phải đáp ứng 3 nguyên tắc. 3 nguyên tắc gồm: Được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe hai bánh; hoạt động kiểm định phải bảo đảm tính độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật; đối với cơ sở kiểm định khí thải lưu động phải được bố trí đảm bảo cho hoạt động kiểm định thuận tiện, an toàn, không gây cản trở giao thông.

Các cơ sở kiểm định phải đáp ứng điều kiện sau: diện tích tối thiểu 35 m2 và mỗi vị trí kiểm định phải có diện tích tối thiểu 6 m2. Có khu vực kiểm định, khu vực để xe, khu vực văn phòng (không bắt buộc đối với cơ sở kiểm định lưu động). Thiết bị kiểm định khí thải phải phù hợp quy định.

 Hiện nay có nhiều xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường phố Hà Nội. Ảnh: P. PHONG

Hiện nay có nhiều xe máy cũ nát vẫn lưu thông trên đường phố Hà Nội. Ảnh: P. PHONG

Nhân lực của cơ sở kiểm định khí thải phải có tối thiểu một đăng kiểm viên kiểm định được cấp chứng chỉ theo quy định.

Thêm vào đó, cơ sở kiểm định khí thải phải xây dựng hệ thống quản lý của đơn vị để đảm bảo thực hiện kiểm định và cấp tem kiểm định cho xe mô tô, xe gắn máy theo quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định khí thải xe hai bánh.

Các đơn vị kiểm định được thu giá dịch vụ liên quan đến hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, các khoản thu khác (nếu có) và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đơn vị đăng kiểm phải công khai mức thu giá kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm, quản lý cấp phát tem kiểm định theo quy định… Song song đó, các cơ sở phải bảo đảm thời gian hoạt động kiểm định bình thường tối thiểu 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần…

Bộ GTVT sẽ quyết định giá kiểm định khí thải xe máy

Theo Bộ GTVT, dự thảo nghị định giao cho ngành giao thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời, bộ sẽ chủ trì xây dựng, ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định của pháp luật về giá.

Tuy nhiên, Bộ GTVT khẳng định để thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy phải theo lộ trình. Trong đó, tới đây Bộ Khoa học và Công nghệ cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Thêm vào đó, các bộ ngành liên quan cần phải tham mưu cho Chính phủ thời điểm kiểm tra khí thải xe máy, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai, đối tượng cụ thể...

Còn theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, lộ trình kiểm định khí thải xe máy sẽ thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường. Bộ TN&MT sẽ là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng ban hành quyết định.

Cũng theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, hiện nay xe máy mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đang được kiểm soát khí thải, chỉ còn những phương tiện cũ đang tham gia giao thông chưa được kiểm soát. Theo đó, tới đây các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu theo hướng, xe mới chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay mà sau 2-3 năm mới phải kiểm định.

Đối với các xe đã qua sử dụng nhiều năm, cơ quan chức năng có thể tính toán nghiên cứu thời gian kiểm định khí thải cho phù hợp.

Về mức phí kiểm tra khí thải, theo tính toán trước đây của Bộ GTVT, người dân có thể chỉ mất 35.000 đồng/lần/năm.

“Chi phí kiểm định khí thải chính thức tới đây sẽ không đáng kể và việc kiểm định khí thải cũng rất đơn giản, chỉ mất vài phút, với lộ trình thích hợp nên không gây nhiều xáo trộn cho người dân, xã hội”- lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho hay.

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nhận định phát thải khí thải từ xe cơ giới đang gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, trong đó ô tô gây ô nhiễm gấp nhiều lần xe máy. Dù vậy, ông cho rằng việc đưa quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy đang sử dụng là phù hợp.

Về cách thức triển khai, vị chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng chỉ nên thực hiện kiểm định đối với xe máy cũ nát, có thời gian sử dụng lâu, nhả khói đen... Không nên buộc toàn bộ xe máy đang lưu hành thực hiện kiểm định khí thải định kỳ. Vì hiện nay, Hà Nội có trên 7,7 triệu xe máy, TP.HCM có khoảng 9 triệu xe máy, nếu kiểm tra hết thì không phù hợp.

Thêm vào đó, việc kiểm định xe máy cũng cần đặt trong bối cảnh của từng địa phương, không thể đưa ra một quy định chung bắt cả nước thực hiện. “Chỉ nên kiểm tra ở những TP có mật độ dân cư cao. Chẳng hạn, TP có dân số 300.000 - 500.000 người trở lên mới thực hiện chính sách trên...” - ông Thủy nêu quan điểm.

Theo tính toán của dự án “nghiên cứu thực trạng phát thải của xe máy đang lưu hành hướng tới kiểm soát khí thải, góp phần cải thiện môi trường không khí”, người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%.

Tỉ lệ này tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là 170.632 đồng mỗi năm (tính theo giá xăng tháng 11-2018).

Trong khi đó, chủ phương tiện chỉ mất chi phí khoảng 110.000 đồng mỗi xe để bảo dưỡng và thay thế phụ tùng cho phần khí thải (lọc gió…). Đây cũng là chi phí bảo dưỡng đương nhiên để đảm bảo hiệu quả khai thác và độ bền của xe trong quá trình sử dụng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gtvt-mo-duong-chuan-bi-kiem-tra-khi-thai-xe-may-post808364.html