Bỏ hình thức đấu thầu khi nâng chuẩn giáo viên, trường đại học tán đồng
Việc Bộ GD tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là đúng đắn, xuất phát từ thực tiễn các cơ sở đào tạo, địa phương đang vướng phải.
Một số điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của nhiều cơ sở đào tạo, địa phương trên cả nước. Đặc biệt là đề xuất bỏ phương thức đấu thầu trong tổ chức đào tạo nâng chuẩn, chỉ giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt.
Quy trình, thủ tục đấu thầu phức tạp
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Quang Tân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên bày tỏ, hai yếu tố cơ bản quyết định trong phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn hiện nay là năng lực (chất lượng đào tạo) và mức giá. Thực tế hiện nay, các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng về năng lực, chất lượng, do vậy, việc cạnh tranh chủ yếu về mức giá. Tuy nhiên, nếu chỉ vì giá bỏ thầu thấp để trúng thầu thì chưa chắc đã lựa chọn được cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Mặt khác, hoạt động “nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên” (cũng như đào tạo giáo viên) là hoạt động chuyên môn mang tính đặc thù, với mục tiêu nâng cao chất lượng, không vì lợi nhuận. Chính phủ cũng đã có quy định về mức học phí (Nghị định 97/2023/NĐ-CP) để các cơ sở đào tạo có cơ sở ban hành và áp dụng mức chi phí đào tạo nâng chuẩn phù hợp nhất với điều kiện giảng dạy và học tập hiện nay.
Do đó, việc bỏ phương thức đầu thầu trong đào tạo nâng chuẩn sẽ cởi trói cơ chế, thủ tục đấu thầu, cạnh tranh về giá như quy định hiện nay. Từ đó, sẽ lựa chọn được cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng thực sự, đáp ứng yêu cầu, đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai bồi dưỡng nâng chuẩn được kịp thời theo chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên.
Cùng bàn về vấn đề trên, theo đại diện lãnh đạo một trường đại học đào tạo giáo viên khu vực phía Nam, phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn là một trong các phương thức được quy định tại khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP (giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) và được hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Tuy nhiên, Nghị định 32/2019/NĐ-CP khi triển khai gặp một số bất cập, cụ thể đối với phương thức đấu thầu.
Trước hết, tại biểu 01 Phụ lục 01 Nghị định 32 quy định dịch vụ giáo dục trung cấp sư phạm và cao đẳng sư phạm, dịch vụ giáo dục đại học chỉ thực hiện theo 02 phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng nên việc thực hiện đấu thầu theo quy định tại Nghị định 32 không thực hiện được.
Bên cạnh đó, một số địa phương thực hiện hình thức đấu thầu đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu nhưng quy trình, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài không đáp ứng kịp thời nhu cầu tham gia đào tạo của giáo viên.
Hiện tại, số lượng nâng trình độ chuẩn của giáo viên, đặc biệt là các ngành năng khiếu (âm nhạc, mỹ thuật, thể chất) còn lại rất ít (thậm chí có ngành đào tạo chỉ có 01 giáo viên) nên nếu thực hiện theo phương thức đấu thầu thì khó có nhà thầu tham dự vì nếu trúng thầu sẽ không thể triển khai theo đúng quy chế đào tạo hiện hành (tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến).
Như vậy, có thể thấy, nếu bỏ phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn sẽ giảm được các khó khăn nêu trên.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên cho hay, phương thức đấu thầu trong đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên khá phức tạp, rắc rối và tốn nhiều thời gian.
Trên thực tế, một số ngành chỉ có vài người học nên rất khó để mở lớp đào tạo và không phải địa phương nào cũng có cơ sở đào tạo có đủ ngành để đào tạo, đặc biệt là những ngành Sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, …; số lượng người học nâng chuẩn hiện nay tại nhiều địa phương cũng còn ít. Do đó, thầy Đăng mong rằng, nên để những đối tượng người học nâng chuẩn những ngành ít người học tự chủ động về cơ sở tham gia học sẽ thuận lợi hơn.
Cần có chính sách linh hoạt về cơ chế, tài chính để hỗ trợ giáo viên tham gia nâng chuẩn
Thông tin thêm, Phó Giáo sư Từ Quang Tân cho biết, việc thực hiện phương thức đấu thầu trong nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên hiện nay nói chung gặp phải một số vấn đề lớn.
Một là, việc đấu thầu rộng rãi vướng phải quy trình, thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài không đáp ứng được nhu cầu đào tạo giáo viên, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hai là, kinh phí đấu thầu thực hiện theo năm tài chính, không đáp ứng yêu cầu đào tạo cho toàn khóa học.
Ba là, chỉ tiêu nâng chuẩn của cơ sở giáo dục đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhưng nếu tổ chức đấu thầu rộng rãi thì chưa chắc cơ sở giáo dục được Bộ giao chỉ tiêu đã trúng thầu. Như vậy, không đáp ứng nhiệm vụ, gây lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức triển khai thực hiện của địa phương, gây khó khăn cho nhu cầu chính đáng của người học và địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Phú Yên.
Chính vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là cách tháo gỡ phù hợp, xuất phát từ thực tiễn mà các cơ sở giáo dục đào tạo và địa phương có nhu cầu đang vướng phải để đạt lộ trình nâng chuẩn được thuận lợi, phù hợp trong bối cảnh mới hiện nay.
Theo đó, các địa phương cần rà soát lại nhu cầu nâng chuẩn, xây dựng kế hoạch và chủ động bố trí nguồn kinh phí đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp nhu cầu, xây dựng kế hoạch chỉ tiêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ năng lực, chất lượng, nhu cầu, điều kiện thực tiễn của các cơ sở giáo dục và đào tạo để giao chỉ tiêu cho các cơ sở giáo dục đào tạo phối hợp với địa phương để triển khai thực hiện.
Hơn nữa, địa phương cần có chính sách linh hoạt về cơ chế, tài chính để hỗ trợ đội ngũ giáo viên tham gia quá trình “nâng chuẩn” cũng như tăng cường phối hợp với cơ sở giáo dục và đào tạo công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng trong đào tạo nâng chuẩn hiện nay.
Còn theo vị lãnh đạo trường đại học khu vực phía Nam, nhà trường có đầy đủ tất cả các ngành đào tạo đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên cơ bản đáp ứng được các tiêu chí của hồ sơ mời thầu do chủ đầu tư quy định.
Đáng nói, khi triển khai tổ chức đào tạo đối với gói thầu đã được chủ đầu tư ban hành Quyết định lựa chọn nhà thầu thì gặp một số khó khăn nhất định.
Đơn cử như, một số chủ đầu tư yêu cầu tổ chức đào tạo theo đúng danh mục chương trình đào tạo được quy định trong hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, danh mục chương trình đào tạo này không còn phù hợp với tình tình xã hội thực tế nhưng nhà thầu vẫn phải triển khai thực hiện; dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, có tình trạng số lượng giáo viên nâng chuẩn giảm nhiều so với hồ sơ mời thầu quy định nhưng đơn giá dự thầu không được điều chỉnh, thay đổi nên ảnh hưởng đến chi phí tổ chức đào tạo của nhà trường. Một số ngành đào tạo có số lượng giáo viên rất ít nên ảnh hưởng đến việc tổ chức lớp học theo hình thức trực tiếp cũng như chi phí tổ chức đào tạo.
Cũng theo vị lãnh đạo này, hầu hết các khó khăn đang gặp phải trong việc triển khai Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là do vướng quy định, hướng dẫn tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP. Vì vậy, bên cạnh khó khăn đối với phương thức đấu thầu, đề nghị điều chỉnh một số nội dung tại Nghị định 32 cho phù hợp với đặc thù đào tạo giáo viên và khắc phục những khó khăn này.
Thứ nhất là, khó khăn đối với phương thức giao nhiệm vụ. Việc giao nhiệm vụ thực hiện giữa địa phương với cơ sở đào tạo trực thuộc, tuy nhiên không phải địa phương nào cũng có cơ sở đào tạo trực thuộc để thực hiện việc giao nhiệm vụ. Thậm chí, dù địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc nhưng không có đủ ngành đào tạo, trình độ đào tạo để đáp ứng đủ nhu cầu nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Do đó, địa phương không thực hiện được phương thức giao nhiệm vụ đào tạo cho tất cả giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn.
Thứ hai là, khó khăn đối với phương thức đặt hàng. Một trong những điều kiện để thực hiện đặt hàng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP là “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có tính đặc thù do liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện”. Chính vì vậy, không phải ngành đào tạo nào hoặc cơ sở đào tạo nào địa phương cũng có thể thực hiện được phương thức đặt hàng.