Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sửa đổi 5 nhóm chính sách tại Luật Đầu tư công

Đầu tư công là một trong những lĩnh vực được cả hệ thống chính trị, xã hội quan tâm, đặc biệt là liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nội dung đề xuất xây dựng Luật đã thể hiện tính đột phá, cách mạng vì mục tiêu tăng trưởng, lợi ích của quốc gia. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Nội dung đề xuất xây dựng Luật đã thể hiện tính đột phá, cách mạng vì mục tiêu tăng trưởng, lợi ích của quốc gia. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và trình Quốc hội cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10. Theo đó, nếu Luật được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 sẽ rất kịp thời trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm

Tại Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng về Luật Đầu tư công (sửa đổi), ngày 6/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 1/9/2024 về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2024, Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung cao độ nguồn lực để chủ động, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật trình Chính phủ đúng tiến độ. Bên cạnh đó, nội dung đề xuất xây dựng Luật đã thể hiện tính đột phá, cách mạng vì mục tiêu tăng trưởng, lợi ích của quốc gia trong lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chính phủ cơ bản đồng ý với 5 nhóm chính sách được đề xuất tại Đề nghị xây dựng Luật và thống nhất với một số nội dung cụ thể dự kiến sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét. Như, việc nâng quy mô vốn của dự án quan trọng quốc gia lên 30 nghìn tỷ đồng và điều chỉnh quy mô các dự án liên quan; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án. Hay, danh mục dự án Chính phủ báo cáo Quốc hội để ban hành kế hoạch đầu tư công trung hạn là danh mục dự kiến. Ngoài ra, Luật cũng bổ sung cơ chế, thủ tục rút gọn, linh hoạt trong việc sử dụng vốn và trình tự thủ tục triển khai đối với một số dự án đặc thù, cấp bách để thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc yêu cầu thiết yếu, quan trọng của bộ, ngành, địa phương...

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc sửa đổi Luật hướng tới 5 nhóm chính sách. Trong đó, nhóm chính sách thứ nhất là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đầu tư công; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm để mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.

Nhóm chính sách thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy hơn nữa sự chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, khai thác hiệu quả hơn nữa nguồn lực, năng lực quản lý và thực hiện các dự án đầu tư công của địa phương để đáp ứng yêu cầu thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư

Nhóm chính sách thứ ba, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công. Đặc biệt là khai thác năng lực đề xuất, quản lý, thực hiện dự án, nguồn lực của các địa phương và các thành phần kinh tế khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công. Ông cũng nhấn mạnh đến việc khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án.

Thêm vào đó, nhóm chính sách thứ tư nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài). Mục tiêu đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này. Những điều này, Thứ trưởng chia sẻ là nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đồng thời bổ sung một Chương riêng quy định về vốn nước ngoài.

Về nhóm chính sách thứ năm, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết là việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nhằm cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định còn có cách hiểu khác nhau. Luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để xử lý một số vấn đề phát sinh nhưng chưa được quy định cụ thể; sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị các địa phương góp ý thẳng thắn vào các vấn đề cụ thể và những vấn đề chưa phù hợp đang được quy định tại Luật hiện hành. Bởi, các đề xuất các nội dung bổ sung, sửa đổi nhằm đưa ra các quy định ổn định lâu dài trong thực hiện đầu tư công, đặc biệt là trong bối cảnh cần nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện các mốc mục tiêu đến năm 2045 đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các địa phương bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công cũng như các nhóm chính sách được đề xuất, thể hiện tính đột phá, cách mạng vì mục tiêu tăng trưởng, lợi ích của quốc gia trong lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý được Đảng và Nhà nước giao về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công.

Tại đây, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền. Cụ thể, phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đầu tư công,quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công, cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp; thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với quan điểm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính. Các nội dung đảm bảo đề xuất có tính khả thi cao, gắn với việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức của từng cấp, từng cơ quan./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-ke-hoach-va-dau-tu-sua-doi-5-nhom-chinh-sach-tai-luat-dau-tu-cong-post974691.vnp