Bộ lạc có hủ tục vô lý đến mức ai nghe cũng thấy hoảng sợ: Trẻ em gái bị lạm dụng, ép lao dịch trọn đời để chuộc lỗi cho... tổ tiên
'Đời cha ăn mặn, đời con khát nước' - câu tục ngữ quen thuộc không ngờ lại ứng nghiệm ở bộ tộc này.
Ewe là dân tộc châu Phi, chủ yếu sống trong 2 quốc gia Ghana và Togo. Họ sử dụng chung tiếng Eʋegbe, nhưng vẫn có sự khác biệt phương ngữ tùy theo vùng miền.
Trokosi: Nô lệ của thần linh
Trong tiếng Eʋegbe, Trokosi là từ ghép từ 2 chữ: "tro - thần linh" và "kosi - nô lệ", mang nghĩa "nô lệ của thần linh". "Lệ làng" Ewe quy định, con gái từ 10 tuổi trở lên có nghĩa vụ thay cha ông, cụ kỵ đền tội. Nếu một người đàn ông tộc Ewe bị cộng đồng quy kết là có tội, anh ta sẽ phải hiến con gái mới lớn của mình vào đền thờ, làm "nô lệ cho thần linh".
Tín ngưỡng truyền thống của người Ewe là Voodoo, thờ phụng linh hồn. Họ quan niệm vạn vật trên đời đều có hồn, và vị thần tối cao cai quản mọi linh hồn là Nữ thần Mawu. Bà được hình dung như một người mẹ bao dung, hiền từ.
Theo truyền thuyết tôn giáo của người Ewe, Mawu có tất cả 7 người con. Người Ewe quan niệm, khổ là tại mình. Họ không đổ lỗi cho người khác mà cam chịu chấp nhận hết. Bất kể phạm tội lớn- nhỏ, nam giới Ewe đều tự trả giá. Nếu họ không thể trả hết tội nợ trong đời mình, thế hệ con cháu sẽ đứng ra gánh trách nhiệm trả thay.
Đối tượng trả nợ thay cha ông, cụ kỵ luôn là con gái. Họ bị đưa vào các đền thờ thần Mawu cũng như các con cái của bà làm tạp dịch.
Lao động khổ sai trọn đời
Người đứng đầu các đền thờ thần linh của tộc Ewe thường là đàn ông, được gọi là thầy tế. Họ quản lý mọi thứ, chỉ đạo các Trokosi làm việc và phục dịch. Tùy theo sự phân phó của thầy tế, một thiếu nữ có thể chỉ phải lo nấu nướng, dọn dẹp, nhưng cũng có thể trở thành người chịu trách nhiệm "sinh con của thần" - một cách gọi khác của... nô lệ tình dục. Cô gái nào chạy trốn hoặc bị chết, gia đình "mắc nợ" phải đưa đứa con gái khác vào thế chân. Họ cũng không được phép bày tỏ thái độ bất mãn, mà phải biết ơn "sự độ lượng" này sâu sắc.
Trong đền, các Trokosi lao dịch không thời hạn. Ngoài các công việc lặt vặt, họ còn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trên các cánh đồng, trang trại, đem thu nhập kinh tế về cho nơi thờ phụng. Các thầy tế vắt kiệt sức lực của họ mà không trả một xu. Một số người còn bị đánh đập tàn nhẫn, đối xử vô cùng tệ bạc.
Khoảng Thế kỷ XIII, người Ewe rời khu vực phía đông sông Niger di cư tới Ghana và Togo. Họ theo văn hóa phụ hệ, mỗi gia tộc thờ cúng một ông tổ. Người Ewe tin rằng, đất đai là món quà quý báu nhất cha ông truyền lại, nên tuyệt đối không bán. Trong Lục địa Đen, họ nổi tiếng khó gần nhất, xây dựng các làng độc lập, không quan hệ với bên ngoài. Nhưng cũng chính vì lối sống vị kỷ này mà vào thời kỳ thuộc địa, họ đại bại dưới các cuộc chiến tranh xâm chiếm đất đai, đồng hóa của thực dân Châu Âu.
Ngoài vòng pháp luật suốt 2 thế kỷ
Ngay khi thống trị Ghana vào Thế kỷ XIX, thực dân Anh đã biết đến hủ tục Trokosi. Nó được thực hành ở tất cả các ngôi đền, phơi bày thực tế bóc lột, lạm dụng phụ nữ, trẻ em gái. Song, không có động thái giải cứu nào cả, bởi hủ tục này "cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế".
Thập niên 1980-1990, nhiều cha xứ châu Âu và nhà báo Ghana liên tục lên án bản chất tàn bạo của Trokosi. Các tổ chức bảo vệ trẻ em Ghana cũng vào cuộc, gây sức ép đòi hỏi chính phủ phải đưa ra giải pháp chấm dứt triệt để.
Năm 1998, Ghana thông qua dự luật "cấm thực hành nghi thức tôn giáo mang tính chất tàn ác". Tuy nhiên, việc giải phóng các Trokosi lại "giậm chân tại chỗ". Các tổ chức quốc tế như NGO, UNICEF, FESLIM, CHRAJ… không thể ngồi yên mà chờ tiếp. Họ tìm mọi cách từ khuyến khích, thỏa thuận đến đe dọa… cứu hàng ngàn Trokosi khỏi số phận lao dịch trọn đời.
Năm 2010, FESLIM (Phong trào Giải phóng Nô lệ Tôn giáo) thực hiện cuộc giải cứu cuối cùng tại Đền Kadza Yevesi ở Aflao, Ghana, trả tự do cho 52 "nô lệ của thần linh". Kể từ đó đến nay, chưa có báo cáo phát hiện hành vi vi phạm nào. Dù vậy, các tổ chức nhân quyền ở Ghana vẫn phải chưa thể buông lỏng giám sát. Họ nhấn mạnh, Trokosi phải được xóa sạch hoàn toàn.