Bố mẹ ở Thanh Hóa chưa đọc thông viết thạo nuôi con trai tốt nghiệp ĐH xuất sắc

Ông Thanh hiện chưa đọc thông viết thạo, trong khi vợ ông có thể viết được tên mình và các thành viên trong gia đình nhưng nhiều lúc vẫn còn sai.

“Em sinh ra ở một làng quê ven biển tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ em không có điều kiện được đi học nhưng em nghĩ, nếu bố mẹ được đi học thì cũng sẽ là sinh viên xuất sắc vì họ đã đào tạo nên một sinh viên xuất sắc...”, Ngô Văn Tân (SN 2003) chia sẻ.

Ngồi ngoài hội trường, nghe con trai phát biểu trong lễ tốt nghiệp, bà Phạm Thị Thanh (49 tuổi, trú ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) nghẹn ngào xúc động.

Vợ chồng ông Thanh trong lễ tốt nghiệp của con trai

Vợ chồng ông Thanh trong lễ tốt nghiệp của con trai

Dưới hội trường, ông Ngô Văn Thanh (51 tuổi, chồng bà Thanh) cũng không giấu được vui mừng. Cậu con trai họ yêu thương và đặt nhiều kỳ vọng, giờ đây đã tốt nghiệp trường đại học thuộc top đầu cả nước với thành tích đáng nể.

Tân tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tân cũng là 1 trong 9 sinh viên nhận bằng khen từ nhà trường trong đợt tốt nghiệp này.

"Cuộc đời các con phải cố gắng mà khác đi"

Vợ chồng bà Thanh đều chưa được học qua lớp vỡ lòng. Từ nhỏ, cả hai đã phải giúp bố mẹ trông em, làm việc nhà, việc đồng áng. Thời gian trôi qua, họ bận bịu mưu sinh, lo lắng cho gia đình nên không được đến lớp.

Ông Thanh hiện chưa đọc thông viết thạo, trong khi bà Thanh có thể viết được tên mình và các thành viên trong gia đình nhưng nhiều lúc vẫn còn sai.

“Tôi viết được chữ, còn đánh vần thì ấp úng. Ở tuổi này, mắt mũi kèm nhèm, lại bận việc nọ việc kia, tôi chưa thật sự quyết tâm học chữ, thành ra... giờ vẫn cứ bập bõm như vậy”, bà Thanh ngại ngần chia sẻ.

Hơn ai hết, vợ chồng bà Thanh hiểu được tầm quan trọng của việc học nên luôn hối thúc các con học hành.

Vợ chồng bà có 4 người con. Con gái cả sinh năm 1996, tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi. Con gái thứ hai sinh năm 1998, học hết phổ thông thì nghỉ học đi làm cùng mẹ. Con trai thứ ba là Tân. Con gái út sinh năm 2005, hiện cũng đã đi làm.

“Chúng tôi luôn bảo các con, cuộc đời bố mẹ đã không được đến trường, không biết con chữ, cuộc đời các con phải cố gắng mà khác đi, phải chú tâm học hành để thoát khổ. Khó khăn bằng mấy, bố mẹ cũng lo cho các con”, bà Thanh nói.

Biết con trai thông minh, lại chăm chỉ học hành, có chí hướng, vợ chồng bà Thanh hết lòng động viên. Khi con đỗ vào trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), vợ chồng bà vừa mừng, vừa lo không có tiền trang trải học phí cho con.

Trước đó, ông Thanh làm nghề đánh bắt cá ở biển, còn bà Thanh buôn bán hoa quả nhỏ lẻ. Thu nhập chẳng là bao, ông Thanh nghỉ nghề đánh cá, xin làm công nhân đóng hàng ở Hà Nam để có lương ổn định hàng tháng, có tiền lo học phí cho con.

“Chúng tôi có lúc thiếu thốn, không lo đủ tiền học cho con nhưng không bao giờ than phiền với con điều ấy. Tôi sợ nói ra hoàn cảnh khó khăn của gia đình sẽ làm con nhụt chí học tập.

Lúc nào tôi cũng bảo con ‘việc của con là học hành cho tốt, cần khoản gì cứ nói với bố mẹ’. Ngay cả phải dốc hết tiền trong nhà, thậm chí đi vay cho con học hành, tôi cũng thấy xứng đáng”, bà Thanh chia sẻ.

Nhìn con tiến bộ mỗi ngày, bà Thanh rất phấn khởi. Bà thừa nhận, vợ chồng bà không đủ hiểu biết để định hướng ngành học, nghề nghiệp cho con, những điều ấy các con đều phải tự mày mò, tìm hướng đi cho mình.

Nhưng thay vào đó, vợ chồng bà đã trao cho con một điều quý giá, đó là động lực học tập, phấn đấu hết mình vì bản thân và gia đình.

Bố mẹ là động lực cho con phấn đấu

Ngô Văn Tân hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình nhưng với sự răn dạy kỹ lưỡng và đầy lạc quan của bố mẹ, cậu xác định rõ “khó khăn chỉ là tạm thời, mọi thành viên trong gia đình sẽ kiên nhẫn, cố gắng vượt qua”.

Bố mẹ là động lực để nam sinh Thanh Hóa phấn đấu

Bố mẹ là động lực để nam sinh Thanh Hóa phấn đấu

Những năm tháng trưởng thành, ngay cả khi bữa cơm nhà chỉ có cơm trắng và rau luộc, Tân cũng chưa từng nghe bố mẹ than vãn. Câu nói mà Tân nghe được nhiều nhất là: “Con cứ cố gắng học tập, không cần lo lắng chuyện tiền nong”.

Nhờ đó, Tân luôn tự tin, sẵn sàng tiến về phía trước, hoàn thành tốt việc học.

“Tuy vậy, trong những năm học đại học, tôi vẫn đi làm gia sư môn Toán 1-2 buổi/tuần để có thể trả tiền thuê trọ, đỡ đần bố mẹ phần nào. Tôi không làm thêm quá nhiều vì biết nhiệm vụ chính của mình là học tập”, Tân cho biết.

“Bố mẹ luôn khuyên tôi sống tử tế, chân thành và biết ơn những người giúp mình. Thời gian qua, tôi nhận được nhiều giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè. Sự giúp đỡ của mọi người phần nào bù đắp cho khó khăn của tôi, giúp tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều”.

Hiện tại, Tân đang làm kỹ sư trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI Engineer) tại một công ty công nghệ ở Hà Nội. Chàng trai cố gắng làm việc, trau dồi để có những bước tiến dài hơn trong sự nghiệp, có điều kiện báo đáp bố mẹ.

Thanh Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-me-o-thanh-hoa-chua-doc-thong-viet-thao-nuoi-con-trai-tot-nghiep-dh-xuat-sac-2400623.html