Trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trước dịp nghỉ hè

- Để góp phần tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn đuối nước trong dịp nghỉ hè, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước (PCTNĐN) cho học sinh.

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh hướng dẫn, trang bị kỹ năng sơ cứu đuối nước ban đầu cho học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An,thành phố Lạng Sơn

Kỳ nghỉ hè là dịp để học sinh các cấp nghỉ ngơi, thư giãn hoặc cùng gia đình, người thân đi du lịch. Trong kỳ nghỉ này, nhiều học sinh có xu hướng rủ nhau tắm mát ở các ao, hồ, sông, suối tại địa phương mà không có sự giám sát, đồng hành của người lớn. Nhằm hạn chế rủi ro không đáng có, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh trước kì nghỉ hè và công tác phối hợp với phụ huynh.

Ông Đặng Hồng Cường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: SởGD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp với phụ huynh qua nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến để hướng dẫn các biện pháp bảo vệ con em, nâng cao trách nhiệm trong việc phòng tránh tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Cùng đó, đảm bảo công tác bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương phải được thực hiện an toàn, chặt chẽ.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tuyên truyền kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tuyên truyền kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho các em học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 649 trường học với hơn 200.000 học sinh. Các trường học trên địa bàn đều linh hoạt lồng ghép kiến thức PCTNĐN cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt đầu tuần, buổi ngoại khóa. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các em học sinh kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước, kỹ năng PCTNĐN. Đặc biệt, chú trọng tạo điều kiện cho các em tham gia các tình huống giả định để thực hành các kỹ năng như: nhận biết nguy cơ đuối nước; sơ cấp cứu khi gặp tai nạn đuối nước; sử dụng áo phao, phao cứu hộ…

Cô giáo Trịnh Sao Linh, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Chu Văn An chia sẻ: Nhằm góp phần giúp các em học sinh có một kỳ nghỉ hè an toàn, bên cạnh việc phối hợp với Ban Thanh niên, Công an tỉnh thực hiện tuyên truyền, Đoàn trường còn tích cực đưa nội dung PCTNĐN vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh, video về nội dung này trên fanpage và bảng tin của nhà trường để tăng tính lan tỏa.

Ngoài việc giúp các em nắm vững kiến thức PCTNĐN, công tác tuyên truyền còn khơi dậy ý thức, nâng cao trách nhiệm ở mỗi em trong việc chủ động phổ biến, tuyên truyền kiến thức cho bạn bè, người thân trong gia đình để cùng nhau phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng đuối nước. Sau khi tham gia buổi tuyên truyền tại trường, em Vũ Thị Thu Hương, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Cao Lộc bày tỏ: Nhờ những kiến thức mà thầy cô truyền đạt, em đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi tham gia hoạt động dưới nước cũng như trang bị thêm các kỹ năng để nhận biết nguy cơ đuối nước, quy trình xử lý và sơ cứu ban đầu cho nạn nhân… Điều này giúp em chủ động hơn trong việc phòng tránh tai nạn, bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh hướng dẫn học sinh thực hiện tư thế an toàn trong cấp cứu nạn nhân đuối nước

Cán bộ Bệnh xá Công an tỉnh hướng dẫn học sinh thực hiện tư thế an toàn trong cấp cứu nạn nhân đuối nước

Bà Nguyễn Thị Đào, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho biết: Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo tất cả 59 trường học trên địa bàn triển khai PCTNĐN đến cả học sinh và phụ huynh. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh là rất cần thiết. Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức trực tiếp, các nhà trường còn khuyến khích mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa thông tin và chia sẻ nội dung phòng chống đuối nước đến gia đình và cộng đồng.

Để PCTNĐN hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể và nhà trường, điều cốt lõi vẫn là sự quan tâm, giám sát chặt chẽ từ mỗi gia đình. Việc định hướng các em tham gia các hoạt động lành mạnh, bổ ích sẽ góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ đuối nước đáng tiếc.

Minh Khánh

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-ky-nang-phong-chong-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-truoc-dip-nghi-he-5046872.html