Bỏ nghề thẩm phán đi sản xuất bánh đậu xanh
Công việc nhà nước ổn định lại đang đà thăng tiến vẫn không thể níu chân được người thẩm phán đã bén duyên với nghề sản xuất bánh đậu xanh truyền thống.
Đó là câu chuyện của ông Đào Quang Chuyện, sinh năm 1962, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Giang.
Quyết định táo bạo
Sinh ra ở Thanh Miện, ngay từ nhỏ ông Chuyện đã ham học, chăm làm. Dày công đèn sách, ông cũng có được thành quả xứng đáng khi được nhận vào làm việc trong ngành tòa án. Chuyển lên TP Hải Dương sinh sống vào năm 1983, ông Chuyện bắt đầu có thiện cảm với nơi đây, nhất là nhịp sống đô thị sầm uất, náo nhiệt. Dần dần, ông để ý và tìm hiểu tới việc sản xuất, kinh doanh thương mại. Năm 1995, ông mở xưởng sản xuất xà phòng nhưng cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn vì những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và khó khăn về nguồn nguyên liệu. Những tưởng vấp ngã sẽ làm ông Chuyện bớt “máu” làm ăn nhưng ông vẫn trăn trở tìm kiếm hướng đi khác. Ngày ấy khi đường 5 còn chạy qua lòng thành phố, cứ đi làm là ông lại bắt gặp từng đoàn xe nối đuôi nhau, người dân xếp hàng để đợi đến lượt mua bánh đậu xanh (BĐX) làm quà. Hình ảnh này khiến ông Chuyện luôn đau đáu và quyết định mở xưởng sản xuất BĐX vào năm 1997. Nhớ lại quãng thời gian mới lập nghiệp, ông kể: “Ngày đó, tôi chả có gì ngoài quyết tâm. Không có nền tảng, không có kỹ thuật trong khi những cơ sở khác đã nổi tiếng. Thế nhưng tôi lại không nhìn vào những bất lợi đó mà chỉ hướng về những cơ hội ở phía trước”.
Tìm ra hướng đi mới, cứ hết giờ làm việc tại tòa, ông Chuyện lại mày mò, nghiên cứu về quy trình làm BĐX. Là dân "ngoại đạo", ông Chuyện phải chắt chiu, góp nhặt những gì học hỏi được từ người làm nghề gia truyền song ai cũng chỉ chia sẻ công thức chung và giấu bí quyết riêng. Vì đi sau nên ông phải cố gắng hơn gấp nhiều lần, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mới đầu, mỗi ngày làm ra 2 thùng bánh cũng khiến ông Chuyện mãn nguyện nhưng chưa kịp vui mừng khi mẻ bánh thành công thì lại lo chưa đến tay người dùng bánh đã hỏng. Tuy nhiên bài toán về hạn sử dụng cũng được ông giải thành công bằng những tính toán về tỷ lệ nguyên liệu hợp lý trong quá trình sản xuất. Từ 10 ngày lên 1 tháng, 2 tháng rồi 3 tháng, 6 tháng và đến hiện tại doanh nghiệp của ông là đơn vị duy nhất sản xuất BĐX có hạn dùng lên tới 9 tháng.
Từ tay ngang, ông Chuyện trở thành người có tiếng trong sản xuất, kinh doanh BĐX. Thế nhưng để có được thành quả này, ngoài những nỗ lực không mệt mỏi, ông còn phải đánh đổi bằng cả công việc ổn định vốn được gia đình kỳ vọng. Khi ông Chuyện say mê với việc làm BĐX thì cũng là thời điểm ông được tin tưởng, bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân tỉnh. Là chuyện vui nhưng lại khiến ông phải trăn trở bởi thời ấy công chức làm kinh tế là điều tuyệt đối cấm. Bao năm làm việc, cống hiến ông mới được ghi nhận chức vụ thẩm phán, song đam mê cũng không thể dang dở. Ý định thôi việc của ông nhanh chóng bị gia đình dập tắt vì ai cũng cho rằng đây là nghề có địa vị và cũng là kết quả phấn đấu trong nhiều năm, không thể nói thôi là thôi. Song ông nghĩ nếu tiếp tục theo nghề đến khi về hưu mới thực hiện điều mình thích thì cơ hội đã qua đi. “Năm 2001, tôi viết đơn gửi Chủ tịch nước xin thôi việc. Thời điểm ấy, tôi là thẩm phán duy nhất trên cả nước có quyết định liều lĩnh, táo bạo này. Nghề cao quý nhưng nếu không chuyên tâm thì khó làm tốt”, ông Chuyện trải lòng.
Sau khi nghỉ việc, ông Chuyện dồn hết tâm sức cho xưởng BĐX chỉ vỏn vẹn 400 m2. Biết được điểm yếu về tay nghề nên ông ngày đêm nghiên cứu, chăm chút cho từng mẻ bánh để tự tạo ra bí quyết riêng cho mình. Mọi công đoạn, quy trình đều được ông thực hiện cẩn thận, tỉ mỉ. Nắm bắt thị hiếu của khách hàng, ông thay mỡ lợn bằng dầu thực vật, đổi đường kính trắng sang đường glucose phù hợp với tất cả lứa tuổi, người dùng. Đỗ xanh phải lựa chọn từ vùng sản xuất VietGAP, đồng đều về mẫu mã, chất lượng. Các khâu luộc, rang, tách vỏ, nghiền, trộn phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình. Tuy giá bán BĐX có cao hơn từ 1,5 lần, thậm chí là gấp đôi so với các đơn vị khác nhưng người mua vẫn chấp nhận bỏ tiền cao để đổi lấy sự chỉn chu về bao bì và chất lượng thơm ngon của bánh. Nhờ nghiêm túc làm BĐX bằng cả cái tâm, cái tầm nên sản phẩm của ông Chuyện được đông đảo khách hàng đón nhận, dần sánh ngang với các thương hiệu BĐX bề thế đã gây dựng uy tín nhiều năm.
Câu chuyện thương hiệu
Theo đuổi nghề làm BĐX, điều ông Chuyện đau đáu nhất bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chất lượng chính là xây dựng thương hiệu.
BĐX của mảnh đất xứ Đông có truyền thống trăm năm. Tương truyền khi vua Bảo Đại (1913-1997) kinh lý qua trấn Hải Dương, dân chúng nơi đây đã dâng lên ngài một thứ bánh được làm từ đỗ xanh. Sau khi thưởng thức thứ bánh đặc sản này, vua Bảo Đại đã cảm nhận được hương vị cũng như tình cảm của người dân nơi đây. Sau khi về cung, vua ban sắc khen BĐX Hải Dương, trên đó có in hình “Rồng vàng”, một biểu tượng uy quyền của nhà vua. Kể từ đó BĐX Hải Dương có tên mới là: “BĐX Rồng vàng”.
Từ tích trên nên ông Chuyện đã đặt tên cho BĐX của mình là Rồng vàng Hoàng Gia, vừa thể hiện sự trân trọng đối với sản phẩm làng nghề truyền thống, vừa để nhắc nhở bản thân phải có trách nhiệm giữ lửa nghề. Ông quan niệm rằng nếu không giữ được bản sắc, không giữ được cái gốc thì sẽ nay còn, mai mất, niềm tự hào chỉ còn được gợi nhớ qua những câu chuyện trong quá khứ.
Thương hiệu BĐX Rồng vàng Hoàng Gia của Công ty CP Hoàng Giang lớn mạnh dần nhờ những cố gắng không ngừng nghỉ của ông Chuyện. Với tầm nhìn xa nên ngay từ đầu ông Chuyện đã hướng tới việc tiêu thụ bài bản, chuyên nghiệp thay vì chỉ để phục vụ khách vãng lai qua đường. Nhờ tính toán đúng đắn mà sản phẩm BĐX Rồng vàng Hoàng Gia hiện đang được bày bán trên nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm du lịch trên cả nước. Ông Chuyện còn ký kết phân phối độc quyền với nhiều đơn vị. Với thị trường xuất khẩu, lúc đầu ông cũng đi theo lối mòn, xuất tiểu ngạch rồi chính ngạch sang Trung Quốc nhưng thấy không hiệu quả nên ông thay đổi hướng phát triển. Ông quả quyết nói: “Sau khi suy nghĩ thấu đáo, tôi thấy rằng nếu không có sự bứt phá mà cứ bằng lòng với cách làm cũ thì khó có thể tồn tại lâu dài. Vì vậy, dù khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm cải tiến sản phẩm, tìm hiểu để có thể xuất khẩu BĐX sang thị trường cao cấp là Nhật Bản”.
Mất hơn 1 năm vừa tìm kiếm đối tác, vừa nghiên cứu công thức sản xuất bánh phù hợp với thị trường mới, ông Chuyện cũng có được cái gật đầu từ phía Nhật. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hàng xuất đi chưa nhiều nhưng đều đặn là tín hiệu khả quan cho đặc sản của tỉnh. Hiện doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu BĐX sang Mỹ và Hàn Quốc. Dù đã có vị thế song ông Chuyện không bỏ qua bất cứ cơ hội nào cho đứa con tinh thần của mình dù là lớn hay nhỏ. Khi tỉnh có chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ông hăng hái tham gia. Nhờ tâm huyết, chuyên nghiệp mà 3 sản phẩm của công ty ông được tỉnh xếp hạng 4 sao và 1 sản phẩm BĐX truyền thống đang đề nghị Trung ương công nhận 5 sao. Năm nay, ông Chuyện tiếp tục ghi tên 5 sản phẩm BĐX khác của công ty trong "sân chơi" OCOP.
Tham gia chương trình OCOP giúp ông Chuyện nhận ra rằng những giá trị truyền thống kết tinh từ làng nghề cần được kết nối để tạo sự lan tỏa. Vì thế ông lại nuôi hoài bão lớn hơn, ước vọng cao hơn khi không chỉ muốn làm cho mình mà còn cho cả sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Ông Chuyện đang ấp ủ dự định xây dựng 1 trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP Hải Dương. Ở đây sẽ hội tụ tất cả đặc sản của tỉnh để mọi người biết tới. Ông trăn trở: “Câu chuyện thương hiệu rất nan giải, nhất là đối với những sản phẩm làng nghề, xây đã khó giữ lại càng gian nan hơn. Do đó, tôi muốn quy tụ đặc sản của tỉnh về một mối để khách hàng không còn nhầm lẫn trong lựa chọn. Đây cũng là xu thế tất yếu vì không thể phát triển tự phát mãi được. Sản phẩm tốt, chất lượng cao thì vẫn phải có cách đi đúng thì mới nâng cao được giá trị”.
Không phải con nhà nòi nhưng bằng đam mê và quyết tâm, ông Chuyện đã góp phần gìn giữ, phát triển sản phẩm truyền thống của Hải Dương. Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề làm BĐX song nhiệt huyết trong ông vẫn còn vẹn nguyên như thuở mới vào nghề.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/bo-nghe-tham-phan-di-san-xuat-banh-dau-xanh-185520