Bộ Ngoại giao Nga: Lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga tiếp tục tăng
Ông Dmitry Birichevsky, Giám đốc Bộ phận Hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga của các nước EU tiếp tục tăng.
"Mặc dù EU thông qua kế hoạch vào tháng 5/2022 nhằm giảm lượng nhập khẩu hydrocarbon từ Nga, số liệu thống kê thương mại của châu Âu cho thấy lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào các nước EU đang có xu hướng tăng. Trong nửa đầu năm 2024, sản lượng khí đốt tự nhiên của EU nhập từ Nga cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, sản lượng khí đốt của Nga đang chiếm 15% tổng thị phần của EU", ông Dmitry Birichevsky, Giám đốc Bộ phận Hợp tác kinh tế của Bộ Ngoại giao Nga, thông tin.
Trong quý đầu của năm nay, Pháp tăng gấp đôi lượng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga lên 4,4 tỷ mét khối, một phần đáng kể trong số đó đang được tái xuất khẩu, ông Birichevsky cho biết thêm.
Hãng thông tấn Cộng hòa Séc (CTK) ngày 16/7 dẫn báo cáo tháng 7 của Tổ chức Các nước xuất khẩu khí đốt (GECF) cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, khối lượng khí đốt tự nhiên của Nga xuất khẩu qua đường ống sang các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng 24%.
Trong nửa đầu năm 2024, tổng cộng 80 tỷ m3 khí đốt tự nhiên đã được vận chuyển vào EU thông qua các hệ thống đường ống, hơn một nửa trong số đó nhập khẩu từ Na Uy. Các nước xuất khẩu chủ yếu tiếp theo lần lượt là Algieria, Nga và Azerbaijan.
GECF không nêu số liệu cụ thể về từng nhà xuất khẩu song cho biết so với cùng kỳ năm 2023, lượng khí đốt tự nhiên EU nhập từ Nga đã tăng tới 24%.
Vào tháng 3/2022, EU xây dựng Kế hoạch RePowerEU, bao gồm các biện pháp nhằm giảm dần lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga, tăng độ tin cậy của nguồn cung cấp năng lượng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, đồng thời đề xuất các phương án tiếp theo nhằm giảm nhu cầu về khí đốt và điện.
Cụ thể, Kế hoạch REPowerEU của châu Âu tập trung vào 3 giải pháp chính: Tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong công nghiệp và vận tải; đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; và tăng cường khai thác năng lượng tái tạo.
Châu Âu dự kiến chi tới 210 tỷ euro từ nay đến năm 2027, khoản chi phí lớn chưa từng có, nhằm hiện thực hóa kế hoạch REPowerEU.
Châu Âu khẳng định họ đã làm việc với các đối tác quốc tế để tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới ngoài Nga, đồng thời tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay vì lượng khí vận chuyển từ Nga thông qua các hệ thống đường ống.
Để đảm bảo vị thế thương lượng và phân chia khí đốt công bằng, EU sẽ thiết lập cơ sở hạ tầng và phát triển một "cơ chế mua chung" giống như với vaccine ngừa COVID-19.