Bộ Ngoại giao Phần Lan thông báo rút khỏi công ước cấm mìn sát thương

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Phần Lan, quyết định rút khỏi Công ước Quốc tế cấm mìn sát thương (còn gọi là Công ước Ottawa) sẽ có hiệu lực sau 6 tháng, vào tháng 1/2026.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo hãng Reuters, Bộ Ngoại giao Phần Lan tối 10/7 cho biết nước này đã gửi thông báo lên Liên hợp quốc về việc rời khỏi Công ước Quốc tế cấm mìn sát thương (còn gọi là Công ước Ottawa).

Theo thông báo, quyết định rút khỏi công ước sẽ có hiệu lực sau 6 tháng, vào tháng 1/2026.

Litva, Latvia, Estonia, Phần Lan và Ba Lan – đều là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) có chung biên giới với Nga - đã thông qua việc rút khỏi hiệp ước này, viện dẫn nguy cơ quân sự ngày càng lớn từ nước láng giềng.

Đầu tháng 7, Reuters dẫn lời các quan chức Litva và Phần Lan cho hay hai quốc gia này dự kiến bắt đầu sản xuất trong nước mìn sát thương bộ binh từ năm sau để tự trang bị.

Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 4/7, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã phê chuẩn việc rút nước này khỏi Công ước Quốc tế về cấm mìn sát thương (còn gọi là Công ước Ottawa).

Trước đó, ngày 19/6, Quốc hội Phần Lan đã bỏ phiếu về việc rút khỏi công ước trên.

Theo quy trình, văn kiện đã được phê chuẩn phải được đệ trình lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Việc rút khỏi thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 6 tháng.

Vấn đề rút Phần Lan khỏi hiệp ước đã được nêu ra từ tháng 11/2024, cùng lúc với Ba Lan và các quốc gia Baltic. Tổng thống Stubb sau đó cho biết Phần Lan đang cân nhắc biện pháp này, viện lý do mối đe dọa trong khu vực.

Các cơ quan lập pháp của Estonia, Latvia và Litva đã chấp thuận việc các nước này rút khỏi Công ước Ottawa.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế đã bày tỏ quan ngại về việc Phần Lan và các nước khác rút khỏi Công ước.

Công ước Quốc tế về cấm mìn sát thương được thông qua tháng 9/1997 tại Ottawa (Canada) nhằm cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao mìn sát thương trên toàn thế giới. Công ước đã được hơn 160 quốc gia phê chuẩn hoặc tham gia./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-ngoai-giao-phan-lan-thong-bao-rut-khoi-cong-uoc-cam-min-sat-thuong-post1049141.vnp