Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời cử tri Gia Lai về đề án cải cách tiền lương, vị trí việc làm; sửa đổi Luật Người cao tuổi

Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời cử tri Gia Lai về đề án cải cách tiền lương, vị trí việc làm; sửa đổi Luật Người cao tuổi.

* BỘ NỘI VỤ:

Kiến nghị:

Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét triển khai đề án cải cách tiền lương hoặc sớm thực hiện đề án vị trí việc làm nhằm góp phần cải thiện thu nhập, đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời:

Chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ tháng 10-2004 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16-8-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng cụ thể các nội dung của chế độ tiền lương mới để thực hiện từ năm 2021 theo lộ trình ghi tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 13 khóa XII và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW vào thời điểm phù hợp. Theo đó, trong các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước từ năm 2020 đến năm 2022 (Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19-6-2020, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12-11-2020 và Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13-11-2021) thì trong năm 2020-2021 và 2022 chưa bố trí kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Trong thời gian từ nay đến khi thực hiện chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; đồng thời, căn cứ tình hình kinh tế-xã hội, khả năng ngân sách nhà nước năm 2022 và những năm tiếp theo trình Chính phủ để báo cáo Trung ương và Quốc hội thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương để tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

* BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Kiến nghị:

Đề nghị trình Quốc hội sửa đổi khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 theo hướng: Người từ đủ 80 tuổi trở lên có lương hưu cũng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; đồng thời, quyết định theo hướng giảm độ tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.

Đề nghị xem xét nghiên cứu trình sửa đổi khoản 2, Điều 17 Luật Người cao tuổi theo hướng hạ độ tuổi người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 80 xuống 70 hoặc 75 tuổi đối với những đối tượng là người dân tộc thiểu số và người đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn.

Kiến nghị xem xét trình sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi Việt Nam cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đặc biệt, chú ý đến một số nội dung sau: thống nhất tên gọi chung cơ quan tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở; địa vị của Hội Người cao tuổi cho tương xứng với vị trí, vai trò của người cao tuổi; chế độ, chính sách đối với người cao tuổi cần nâng cao hơn nhưng giảm độ tuổi được thụ hưởng xuống; các nội dung có liên quan đến cán bộ hội...

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến cử tri, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.

GLO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/202209/bo-noi-vu-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-tra-loi-cu-tri-gia-lai-ve-de-an-cai-cach-tien-luong-vi-tri-viec-lam-sua-doi-luat-nguoi-cao-tuoi-5791459/