Bộ Nội vụ lý giải việc không giữ lại 87 thành phố

Ngày 28.4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, báo chí đã nêu câu hỏi về chủ trương không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có việc 87 thành phố sẽ không còn.

Trả lời sau đó, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn cho hay đề xuất ban đầu của Bộ Nội vụ vẫn có mô hình thành phố, thị xã và xác định đây là một đơn vị hành chính cấp cơ sở.

“Theo đề xuất ban đầu của chúng tôi, những nơi có thành phố, thị xã thì sẽ không còn xã, phường ở dưới nữa, như vậy vẫn bảo đảm việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm xã, phường, đặc khu, thành phố, thị xã” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm khi trình, cấp có thẩm quyền đã cân nhắc rất kỹ. Bộ Chính trị ba lần xem xét, cho ý kiến về đề án này, cân nhắc rất kỹ vì sao không giữ lại tên thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Lý do bởi chúng ta đã thống nhất chủ trương bỏ hoàn toàn cấp huyện, cấp cơ sở chỉ còn cấp xã. Mặt khác, có yếu tố tâm lý sợ tác động, ảnh hưởng đến nhiều người dân.

“Họ sẽ băn khoăn vì sao chủ trương bỏ cấp huyện mà vẫn giữ lại thành phố, thị xã hiện đang là cấp huyện. Sau khi cân nhắc rất kỹ, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ hoàn toàn cấp huyện, không có "vương vấn" gì đối với đơn vị hành chính cấp huyện nữa”, ông Tuấn nói.

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn

Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương Phan Trung Tuấn

Cũng theo ông Tuấn, Bộ Chính trị, Trung ương thống nhất tổ chức mô hình tương đối gọn nhẹ, để bảo đảm hướng tới phục vụ người dân tốt nhất, bảo đảm bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân…

Theo đó, giữ nguyên cấp tỉnh, đơn vị hành chính trực thuộc trung ương; cấp xã chỉ còn xã, phường, đặc khu (tổ chức ở các địa bàn hải đảo), tới đây sẽ có khoảng 12-13 đặc khu theo phương án trình của các địa phương.

Song song với việc tổ chức sáp nhập tỉnh, xã phường thì Bộ Nội vụ đang hướng dẫn các địa phương trong việc sắp xếp tổ chức cán bộ, công chức tại đơn vị sáp nhập.

Phương án là giao quyền chủ động cho các địa phương, để địa phương chủ động trong việc bố trí cán bộ. Cơ bản là cán bộ công chức cấp huyện sẽ về cấp xã.

Đại diện Vụ Chính quyền địa phương cho biết: Tinh thần là thực hiện nguyên tắc địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, vì thế địa phương sẽ quyết định cả vấn đề nhân sự, cán bộ lãnh đạo của phường, xã.

"Không chỉ bố trí lãnh đạo các phòng chuyên môn, mà có thể bố trí ủy viên ban thường vụ tỉnh (bí thư, chủ tịch tỉnh) hiện nay làm bí thư của một phường hoặc một đơn vị hành chính cấp xã mới", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng cho biết, tất cả các nội dung liên quan đến bố trí phương án nhân sự: Ai làm bí thư, ai làm chủ tịch, phó chủ tịch… sắp xếp thế nào và kể cả các cơ quan chuyên môn của các xã hình thành sắp tới như thế nào… cấp tỉnh, từng địa phương sẽ quyết định và chịu trách nhiệm.

Bộ Nội vụ cũng sẽ rà soát lại toàn bộ biên chế cấp xã phường để Bộ chính trị quyết định.

Còn về phương án nhân sự, đại diện Bộ Nội vụ cũng cho biết khi Đảng, Chính phủ xây dựng đề án thì đã trình Bộ Chính trị 3 lần, Trung ương cũng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này. Trung ương đã quyết định cơ bản trước mắt sẽ giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay. Cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp.

Về nội dung bố trí, sử dụng lực lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, tổ dân phố, ông Tuấn khẳng định: "Chỉ kết thúc hoạt động của cán bộ không chuyên trách cấp xã phường từ 1.7 tới chứ không kết thúc hoạt động của nhóm đối tượng hoạt động không chuyên trách cấp thôn, bản. Thời gian tới có thể sắp xếp nhóm này về làm ở thôn, bản, tổ dân phố".

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đang nghiên cứu nhóm chính sách để hỗ trợ nhóm đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường khi nhóm này kết thúc hoạt động.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-noi-vu-ly-giai-viec-khong-giu-lai-87-thanh-pho-232036.html