'Bỏ phần lớn trứng' vào Mỹ, ngành gỗ có thể phải hy sinh tăng trưởng số lượng
Thực tế cho thấy, không ít ngành nghề xuất khẩu chủ lực của nước ta ở vị thế tự cường yếu ớt, sức chống chọi trước những biến động khó lường của thị trường bên ngoài còn rất mong manh…

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nêu lên những khó khăn của ngành gỗ phải đối diện trong giai đoạn hiện nay. Ông Hoài đặc biệt nhấn mạnh đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp nên tập trung vào chất lượng sản phẩm thay vì tăng trưởng số lượng.
LÀM ÍT HƠN NHƯNG PHẢI NÂNG PHẦN HƯỞNG LỢI CỦA DOANH NGHIỆP
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, thực tế, với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, điện tử, thủy sản… và cả ngành gỗ, doanh nghiệp đang phải đối diện những khó khăn không chỉ là chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump mà trước đó, các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo các điều khoản trong Đạo luật thương mại của Mỹ đã thường xuyên tác động đến các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Hoài
Trước những diễn biến thị trường quốc tế và những nguy cơ xảy ra xung đột thương mại toàn cầu, ông Hoài đánh giá, các ngành hàng của Việt Nam đang vị thế mà tính tự cường, sức chống chọi còn khá thấp. Khi đối mặt với những tác động này, doanh nghiệp Việt thường nhận phần rủi ro cao, có thể mất đi tính thanh khoản.
"Chúng ta đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào các đầu vào chi phí thấp. Bao gồm nhân công chi phí thấp và nguyên vật liệu đầu vào còn tương đối rẻ. Đặc biệt như ngành gỗ - ngành thâm dụng lao động cao vẫn đang dựa vào 2 lợi thế này", ông Hoài phân tích.
Nói rõ thêm về doanh nghiệp ngành gỗ, ông Hoài nhấn mạnh thêm những khó khăn tồn tại từ trước, hầu hết đại diện phía Việt Nam thường chỉ “lấy công làm lãi”
Trước kia, chỉ với mức thuế trần 10% của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp gỗ đã phải đôn đáo đàm phán với các đối tác. "Các đối tác thường phản hồi là "cưa đôi", mỗi bên chịu một ít. Nhưng các doanh nghiệp với mức lãi suất thường ở dưới 5% làm sao có thể chịu được? Chưa nói đến mức thuế 46% như hiện nay", đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lên tiếng.
Bên cạnh đó, ông Ngô Sỹ Hoài cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang "bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ". Theo đó, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm "Made in Việt Nam" đến hơn 200 thị trường, riêng ngành gỗ xuất khẩu đến hơn 160 thị trường.
Song như năm 2024, sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường Mỹ đến hơn 56%. Tức nếu chúng ta làm ra 10 cái ghế thì gần 6 cái xuất khẩu vào Mỹ. Có rất ít doanh nghiệp trong ngành có thể chủ động vừa xuất khẩu sang 3, 4 thị trường vừa phát triển thị trường nội địa, chính sự chủ động đó giúp những doanh nghiệp này an toàn trước những biến động của một thị trường cụ thể.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh, thời điểm hiện tại các doanh nghiệp cần ưu tiên chất lượng thay vì tập trung tăng trưởng số lượng. Như với ngành gỗ, doanh nghiệp có thể làm ít hơn song phải nâng phần được hưởng, tăng biên độ lợi nhuận cao hơn.
Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ thời gian trước, các doanh nghiệp ngành gỗ phải chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tập trung phát triển thị trường nội địa còn nhiều dư địa phát triển, “không bỏ trứng một giỏ” có thể chống chịu tốt với địa chấn thuế quan.
NGÀNH GỖ CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA PHÁT TRIỂN TRONG NƯỚC
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý 1/2025 đạt 3,95 tỷ USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024).
Trong quý 1/2025, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam (chiếm 53,1% thị phần). Tiếp theo là Nhật Bản (chiếm 13,2% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 10,6% thị phần). So với quý 1/2024, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ tăng 9,5%, Nhật Bản tăng 21% và Trung Quốc giảm 15,2%.
Số liệu thống kê từ cơ quan Hải quan, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có sự sụt giảm nhẹ so với năm trước. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này trong năm 2024 đạt 16,27 tỷ USD tăng 20,8% so với năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 7,5 tỷ USD chiếm khoảng 46% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2024.

Ngành gỗ luôn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nước ta. Ảnh: Hải quan Việt Nam
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2025, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD, tăng 10,6% so với thực hiện năm 2024.
Các chuyên gia trong ngành gỗ đang đưa ra những nhận định đầy thách thức cho tương lai. Bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, tạo ra không ít rào cản cho hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Đáng chú ý hơn, các thị trường tiêu thụ gỗ lớn trên thế giới đang có xu hướng siết chặt các quy định về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ.
Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm gỗ xuất khẩu không chỉ cần đảm bảo về chất lượng và giá cả mà còn phải chứng minh được quá trình khai thác và sản xuất không gây tổn hại đến rừng tự nhiên, tuân thủ các tiêu chuẩn về sản xuất xanh và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Sự thay đổi này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành gỗ Việt Nam trong việc chuyển đổi sang các phương thức sản xuất bền vững và minh bạch hơn để có thể duy trì và phát triển trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước vẫn còn nhiều dư địa phát triển đối với ngành gỗ. Dữ liệu trong Báo cáo triển vọng ngành gỗ Việt Nam 2025 của Kirin Capital chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trong nước ngày càng tăng, thị trường nội địa Việt Nam đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành gỗ với quy mô ước tính lên tới 10 tỷ USD.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành đồ gỗ như nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, sản lượng gỗ khai thác cũng tăng đều qua các năm, đạt 21,6 triệu m3 năm 2023.