Bỏ phố về quê khởi nghiệp trồng nấm chân dài

Nhận thấy Đồng Tháp có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành trồng nấm, năm 2020 sau nhiều lần cân nhắc, nhóm bạn trẻ Huỳnh Thị Thanh Nhàn (SN 1994), Huỳnh Thị Thì Nhớ (SN 1996), Huỳnh Trung Phú (SN 1996) (nhóm), ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh quyết định gác lại công việc có thu nhập ổn định ở TP Hồ Chí Minh để trở về quê khởi nghiệp với mô hình trồng nấm chân dài và nấm hoàng đế. Sau hơn 3 năm lập nghiệp ở quê nhà, mô hình trồng nấm của nhóm bạn trẻ này đạt được nhiều kết quả tích cực, các sản phẩm với thương hiệu 'Nấm Huỳnh Gia' đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Em Huỳnh Thị Thanh Nhàn (bên phải) và Em Huỳnh Thị Thì Nhớ (bên trái) với mô hình trồng nấm chân dài

Em Huỳnh Thị Thanh Nhàn (bên phải) và Em Huỳnh Thị Thì Nhớ (bên trái) với mô hình trồng nấm chân dài

Năm 2020, sau khi quyết định dừng công việc chuyên ngành tại TP Hồ Chí Minh, nhóm ba kỹ sư 9X gồm: Nhàn (kỹ sư nông nghiệp công nghệ cao), Nhớ (kỹ sư hóa học), Phú (kỹ sư công nghệ môi trường) gom vốn luyến trở về quê đầu tư trang trại trồng nấm hoàng đế và nấm chân dài tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh. Ban đầu, do không đủ vốn đầu tư lớn nên nhóm chỉ xây dựng nhà trồng nấm quy mô 300m2 để trồng nấm bào ngư, nấm chân dài và nấm hoàng đế, trồng với khoảng từ 10 - 15 ngàn phôi nấm/tháng, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng trên 300 ký nấm tươi các loại. Dần dần, nhờ sản phẩm của nhóm chất lượng nên được nhiều người quan tâm và đặt hàng nhiều hơn. Để tạo tiện lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháng 7-2023, nhóm thành lập Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia, tại ấp Đông Bình, xã Hòa An, TP Cao Lãnh.

Em Huỳnh Thị Thì Nhớ - Giám đốc Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia, bộc bạch: “Dù biết ngành nấm có nhiều dư địa để phát triển ở tỉnh Đồng Tháp, nhưng với nguồn lực hạn chế của một doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng em lựa chọn đầu tư từng bước thay vì đầu tư hết cho một chuỗi sản xuất. Giai đoạn đầu, để giúp mô hình đi vào sản xuất ổn định, nhóm tập trung sản xuất một số loại nấm tươi như: nấm chân dài, nấm hoàng đế, nấm bào ngư để cung cấp cho thị trường nội tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn thứ hai, khi thương hiệu “Nấm Huỳnh Gia” đã tạo được uy tín nhất định trên thị trường, chúng em tiếp tục mở rộng sản xuất và cung ứng phôi nấm giống các loại cho thị trường. Điểm đặc biệt của phôi “Nấm Huỳnh Gia” là do Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia tự sản xuất, chủ động về công nghệ. Do đó, chúng em tự tin về chất lượng sản phẩm khi cung cấp cho thị trường. Nhằm nâng cao giá trị cây nấm nhiều hơn, nhóm đề ra định hướng phát triển thêm một số dòng sản phẩm chế biến từ nấm, nhằm chủ động được đầu ra cho chuỗi sản xuất cũng như nâng cao giá trị cho các sản phẩm mang thương hiệu “Nấm Huỳnh gia”.

Nấm chân dài được trồng tại Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia

Nấm chân dài được trồng tại Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia

Nhờ tạo được nền móng vững chắc từ những ngày đầu khởi nghiệp, mô hình trồng nấm của nhóm kỹ sư trẻ dần dần đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, doanh thu năm 2022 trên 700 triệu đồng. Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia đã xây thêm 2 khu nhà trồng nấm và sản xuất phôi với tổng diện tích trên 2.000m2, tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Với quy mô sản xuất hiện tại, mỗi tháng Công ty TNHH Nấm Huỳnh Gia cung cấp cho thị trường từ 15 - 20 ngàn phôi nấm các loại và khoảng trên 1 tấn nấm tươi cho thị trường. Sản phẩm của của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh yêu thích mà còn cung cấp tại chuỗi các cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh.

Thông qua mô hình khởi nghiệp của mình, nhóm kỳ vọng sẽ góp phần cùng ngành nông nghiệp của quê nhà có thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu.

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/bo-pho-ve-que-khoi-nghiep-trong-nam-chan-dai-117304.aspx