Thị trường hàng hóa: Chỉ số MXV-Index rơi xuống mức thấp nhất kể đầu tháng 3
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới phản ứng mạnh mẽ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng.
Bảng giá tràn ngập sắc đỏ, lực bán áp đảo đẩy chỉ số MXV-Index rơi 3% xuống 2.261 điểm. Chỉ sau một phiên neo trên vùng 2.300 điểm, sự kiện này đã đẩy chỉ số giá hàng hóa đã lao về mốc thấp nhất kể từ đầu tháng 3.

Sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng, MXV-Index rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3
Giá dầu thô thế giới rơi tự do gần 7%
Theo MXV, áp lực đè nặng lên thị trường năng lượng trong phiên hôm qua khi có đến 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt giảm mạnh. Trong đó, giá dầu lao dốc sau khi ông Trump công bố áp thuế đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, bản kế hoạch sản lượng dầu tháng 5 của OPEC+ tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” khiến thị trường dầu thô trượt dài trong phiên giao dịch ngày hôm qua
Kết phiên, giá dầu Brent và WTI đã lần lượt đánh mất 6,42% và 6,64% xuống mốc 70,14 USD/thùng và 66,95 USD/thùng. Đây là mức giảm sâu nhất của giá dầu Brent kể từ ngày 1/8/2022, còn đối với giá dầu WTI là từ ngày 11/7/2022.

Giá dầu thế giới đã thực sự phản ứng mạnh khi Mỹ tung thuế đối ứng. Bản kế hoạch đồ sộ với danh sách bao gồm 185 nền kinh tế được cho là tệ hơn so với các dự đoán trước đó trên thị trường. Một số quốc gia chịu mức thuế lên tới 50%.
Hàng rào thuế quan này ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều lãnh đạo của các nền kinh tế trên toàn thế giới. Một số đã cảnh báo về các biện pháp trả đũa như Liên minh Châu Âu (EU), Trung Quốc, Canada và Brazil. Tình hình căng thẳng thương mại leo thang khiến thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.
Thêm vào đó, trong những diễn biến mới nhất, OPEC+ đã bất ngờ tăng mạnh sản lượng dầu trong tháng 5. Bản kế hoạch ban đầu đưa ra con số tăng thêm là 135.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, sau cuộc họp trực tuyến giữa đại diện tám nước diễn ra vào ngày hôm qua, OPEC+ đã đưa ra con số mới lên tới 411.000 thùng/ngày.
Theo OPEC, việc tăng sản lượng mạnh là do “nền tảng bền vững và triển vọng thị trường tích cực” và “việc tăng sản lượng có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy thuộc vào các điều kiện thị trường đang thay đổi”.
Kế hoạch tăng mạnh sản lượng trong tháng 5 đi kèm với kế hoạch tăng đang được triển khai trong tháng 4 này của OPEC+ đã phần nào làm giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào xuất khẩu dầu thô từ Iran và Venezuela. Tuy nhiên, theo MXV, căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn là yếu tố rủi ro lớn đè nặng lên thị trường năng lượng trong thời gian tới.
Thị trường kim loại “đỏ lửa”
Toàn bộ thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày hôm qua kèm theo lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu và triển vọng tiêu thụ kim loại suy yếu.
Trên thị trường kim loại quý, giá bạc lao dốc 7,73% xuống còn 31,97 USD/oz. Trong khi đó, bạch kim cũng sụt giảm mạnh tới 3,62%, lùi về mức 942,5 USD/oz.

Quyết định áp thuế đối ứng toàn cầu khiến thị trường kim loại quý chao đảo khi giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại leo thang có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm nhu cầu tiêu thụ.
Trong khi đó, phần lớn nhu cầu đối với bạc và bạch kim lại đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Cụ thể, khoảng 60% nhu cầu bạc được sử dụng trong các ngành như thiết bị điện - điện tử và hợp kim hàn; trong khi gần 70% nhu cầu bạch kim đến từ ngành sản xuất ô tô và công nghệ cao. Nếu kinh tế toàn cầu suy yếu, triển vọng tiêu thụ của hai kim loại này sẽ chịu tác động tiêu cực, gây áp lực khiến giá tiếp tục giảm.
Nhóm kim loại cơ bản cũng không nằm ngoài xu hướng giảm sâu. Giá đồng COMEX giảm mạnh 4,21%, xuống còn 10.645 USD/tấn, trong khi quặng sắt kéo dài đà giảm thêm 0,94%, chốt ở mức 101,84 USD/tấn.
Mức thuế đối ứng cao hơn dự kiến đã làm xói mòn kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu, tạo sức ép lớn lên triển vọng tiêu thụ đồng. Theo dự báo từ Citigroup, giá đồng có thể giảm thêm 8-10% trong vài tuần tới. Đáng chú ý, dù đồng hiện không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng, nhưng Washington đang điều tra khả năng áp thuế riêng đối với mặt hàng này.
Ở một diễn biến khác, chính phủ Ấn Độ vừa ban hành chính sách ưu tiên sử dụng thép nội địa trong các gói thầu công nhằm bảo vệ ngành thép trước làn sóng nhập khẩu giá rẻ. Là quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn thứ hai thế giới, động thái này của Ấn Độ có thể làm gia tăng nguồn cung thép toàn cầu. Trong bối cảnh thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, chính sách của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung và tạo áp lực giảm giá lên nguyên liệu đầu vào như quặng sắt.