89% doanh nghiệp chưa đáp ứng được cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU

Theo TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn Phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam cho biết, có tới 89% doanh nghiệp xuất khẩu Việt chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thuộc Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.

Theo TS Chử Đức Hoàng - Chánh Văn Phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) ngày càng đặt ra những yêu cầu khắt khe về “xanh hóa” sản xuất và tiêu dùng. Đó là yêu cầu sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Yêu cầu này tác động trực tiếp đến các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.

“Đáng lo ngại là có tới 89% doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa đáp ứng được tiêu chuẩn thuộc Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM).

CBAM là công cụ nhằm định giá công bằng lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất các mặt hàng có hàm lượng carbon cao nhập khẩu vào EU và khuyến khích sản xuất công nghiệp sạch hơn ở các quốc gia ngoài EU. Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng còn thấp trước những yêu cầu mới”, ông Hoàng nói.

Cũng theo ông Hoàng, sự thiếu hụt thông tin, hạn chế về vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt trong quá trình tuân thủ các tiêu chuẩn xanh. Năng lực “xanh” còn nhiều hạn chế tạo nên nguy cơ mất thị phần, giảm kim ngạch xuất khẩu và bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Chử Đức Hoàng cho rằng, năng lực "xanh" của doanh nghiệp xuất khẩu Việt còn hạn chế.

TS Chử Đức Hoàng cho rằng, năng lực "xanh" của doanh nghiệp xuất khẩu Việt còn hạn chế.

Thực hiện chuyển đổi “xanh” tác động đến tăng trưởng thông qua nhiều kênh khác nhau, góp phần tạo ra “cú huých” đa chiều cho nền kinh tế. Đặc biệt, chuyển đổi xanh tạo ra các cơ hội đầu tư mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, nông nghiệp hữu cơ, giúp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Quá trình thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp “xanh” và dịch vụ “xanh” sẽ tạo ra việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người lao động. Các nghiên cứu định lượng đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa chuyển đổi xanh và tăng trưởng GDP. Nâng cao năng lực công nghệ là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp.

Để nâng cao năng lực công nghệ, theo ông Hoàng, doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo ở quy trình quản lý và mô hình kinh doanh mà cần xây dựng văn hóa khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm cái mới, chấp nhận rủi ro.

“Việc chú trọng đào tạo nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên có chuyên môn về môi trường, năng lượng tái tạo và các công nghệ xanh khác cũng góp phần nâng cao sức mạnh nội tại của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thiết lập chuỗi cung ứng xanh để góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên”, ông Hoàng khuyến nghị.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/89-doanh-nghiep-chua-dap-ung-duoc-co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-cua-eu/20250403054100635