Bỏ quên trẻ trên xe đưa đón học sinh: Nỗi đau mới từ bài học cũ về sự tắc trách
Vụ bé trai bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh dẫn đến tử vong ở Thái Bình là chuyện nỗi đau mới từ bài học đã cũ. Đáng nói, bi kịch đau lòng lại tái diễn với nguyên nhân chủ yếu từ sự tắc trách, không tuân thủ các quy định của người lớn.
Lời tòa soạn
5 năm trước, dư luận từng rúng động trước thông tin học sinh lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón. Khi đó, từ những câu hỏi về trách nhiệm, một loạt vấn đề về quy trình, yếu tố con người liên quan đến khâu vận chuyển, đưa đón học sinh đã được rà soát, điều chỉnh theo hướng tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn. Vậy nhưng, từ bài học cũ ở Trường PTLC Quốc tế Gateway (Hà Nội), nỗi đau mới lại xảy ra ở Trường Mầm non Hồng Nhung (TP Thái Bình). Thực tế, với trẻ nhỏ không thể tự bảo vệ mình, sự an toàn phải được đảm bảo bằng quy trình với chuỗi giám sát chặt chẽ, thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, khi đó chuyện đau lòng mới không lặp lại.
Bi kịch đau lòng lặp lại
Đến nay, sau 5 ngày xảy ra bị kịch trẻ bị bỏ quên trên ô tô ở Thái Bình, hình ảnh người mẹ trẻ ngã quỵ bên thi thể con trai tại nhà tang lễ vẫn ám ảnh nhiều người.
Sự việc đau lòng ấy diễn ra ngày 29/5. Buổi sáng, bé trai T.G.H. (5 tuổi) được tài xế và nữ nhân viên Trường Mầm non Hồng Nhung (TP Thái Bình) đón từ nhà đến cơ sở 2 của trường tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình.
Đến khoảng 17h cùng ngày, cậu ruột của cháu đến đón nhưng không thấy cháu T.G.H. nên báo cho nhà trường. Gia đình cùng các cô đi tìm thì phát hiện cháu vẫn ở trong ô tô đưa đón học sinh của trường. Mọi người vội vàng đập cửa ô tô, đưa cháu đi viện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trước đó.
Đáng buồn, bé trai T.G.H. không phải trường hợp đầu tiên bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh. 5 năm trước, một vụ việc gây chấn động dư luận khi cháu L.H.L, học sinh lớp 1 Trường PTLC Quốc tế Gateway (Hà Nội) cũng tử vong vì bị tài xế bỏ quên trên ô tô đưa đón.
Nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc vì sự tắc trách của tài xế, nhân viên đưa đón học sinh và cả giáo viên ở ngôi trường với mức học phí đắt đỏ bậc nhất Thủ đô lúc bấy giờ.
Cụ thể, sáng ngày 6/8/2019, dù cháu L.H.L. được người nhà đưa đến điểm đưa đón, tại đây có nhân viên đón trẻ lên ô tô, thế nhưng khi đến trường, cháu chưa xuống xe mà cả tài xế và người đón trẻ không hề hay biết. Tài xế thản nhiên đưa xe tới chỗ cất xe.
Tại lớp học, giáo viên chủ nhiệm điểm danh, phát hiện cháu L.H.L. vắng mặt nhưng cũng không ghi sĩ số lên góc bảng, cũng không cập nhật kết quả vào hệ thống của nhà trường.
Hậu quả là tới 16h45 cùng ngày, gia đình bàng hoàng nhận điện thoại báo cháu L.H.L. đã tử vong.
Có quy trình và người đưa đón, sao vẫn để lọt học sinh trên xe?
Sau vụ việc ở Trường Gateway, cơ quan quản lý đã phải điều chỉnh theo hướng tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển hành khách, trong đó có xe chở học sinh.
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tại điểm a, khoản 2, Điều 11, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải phải theo dõi, giám sát hoạt động của lái xe và phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải.
Đặc biệt, Nghị định 10/2020 cũng quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Ngoài ra, điểm b, khoản 6, Điều 4, Thông tư 12/2020/TT-BGTVT cũng quy định: Sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách).
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những điều khoản tại Nghị định 10 và Thông tư 12 là kết quả của quá trình tham chiếu, rút kinh nghiệm từ sự cố hy hữu tại Trường Gateway.
Các văn bản quy phạm pháp luật trước đó như Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014 vốn không đề cập đến rủi ro "bỏ quên hành khách trên xe kinh doanh vận tải".
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động đưa đón học sinh ở những trường có sử dụng dịch vụ này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nhà trường phải thông báo với gia đình nếu học sinh vắng mặt.
"Tuy nhiên, vẫn tái diễn tình trạng bỏ quên trẻ trên ô tô, mà gần đây nhất là vụ việc đau lòng xảy ra ở Thái Bình, điều đó cho thấy việc triển khai và thực hiện các quy định chưa nghiêm túc, đầy đủ.
Chúng ta đề ra việc phải có người quản lý học sinh trên xe, nhưng qua vụ việc ở Thái Bình thì dù có người đưa đón vẫn để lọt trẻ trên xe.
Đối với tài xế, chúng ta có quy định sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe, thế nhưng cháu bé vẫn bị bỏ quên.
Chúng ta cũng có quy định khi phát hiện học sinh vắng mặt nhà trường phải liên lạc với phụ huynh, nhưng ở đây đã không thực hiện nghiêm túc. Kết cục, cháu bé bị bỏ lại một mình trong xe suốt nhiều giờ mà không một ai phát hiện”, ông Quyền phân tích.
Từ những vấn đề trên, theo ông Quyền, yếu tố con người - những người thực thi quy định mới là điều then chốt để ngăn chặn việc bỏ quên trẻ trên xe.
(Còn nữa)