Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh

Chiều 12-6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Lê Thành Long; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện các ban, bộ, ngành dự phiên họp.

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 86 điều; so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy, đến nay đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung 1 điều và chỉnh lý nhiều nội dung dự thảo luật.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, các đại biểu Quốc hội đã làm việc, thảo luận hết sức kỹ lưỡng, nghiêm túc; nhấn mạnh đây là một dự luật có ý nghĩa lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo bước đột phá cho việc áp dụng các chính sách đặc thù, vượt trội đối với lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

 Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.

Cho phép chuyển nguồn ngân sách mua sắm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo luật này tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới lưu ý đến hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh (Điều 21).

Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị quy định về việc cho phép chuyển nguồn trong trường hợp ngân sách mua sắm, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng đã đấu thầu nhưng chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung khoản 5 tại Điều 21, quy định như sau: “Ngân sách mua sắm, sản xuất sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt nếu chưa sử dụng hết được phép chuyển nguồn đến khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoặc kết thúc nhiệm vụ”.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng được ưu tiên đầu tư phát triển

Về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng, có ý kiến cho rằng, công nghiệp quốc phòng, an ninh phát triển theo hướng lưỡng dụng sẽ tận dụng và phát huy được các nguồn lực để phát triển kinh tế, vì vậy đề nghị nghiên cứu xây dựng quy hoạch cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh và các sản phẩm lưỡng dụng; có các chính sách đặc thù phát triển công nghệ lưỡng dụng; khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư, mở rộng phương thức huy động, phát huy tổng thể các nguồn lực của đất nước.

Làm rõ về vấn đề này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, chính sách phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng đã được thể chế và quy định nguyên tắc tại Điều 5 và được nghiên cứu, thiết kế thành một mục riêng (Mục 4, Chương II).

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung một điều về phát triển công nghệ lưỡng dụng; quy định: Nhà nước ưu tiên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; việc chuyển giao công nghệ lưỡng dụng và giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng danh mục công nghệ lưỡng dụng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh được ưu tiên đầu tư phát triển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Tránh hình sự hóa các trường hợp xấu nhất xảy ra khi thử nghiệm công nghệ mới

Đáng chú ý, Điều 81 dự thảo luật hiện đang quy định về trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Theo đó, Điều 81 quy định: "Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 25 của Bộ luật Hình sự về loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa".

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn, đề nghị rà soát, xem xét kỹ lưỡng quy định này.

Giải trình nội dung này tại phiên họp, Thượng tướng Phạm Hoài Nam cho biết, quy định này là nhằm tránh hình sự hóa các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/bo-quoc-phong-bo-cong-an-xay-dung-danh-muc-cong-nghe-luong-dung-phuc-vu-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-780802