Bộ Quốc phòng Nga điều tra khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên rơi vào EEZ

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, Bộ Quốc phòng nước này đang điều tra thông tin liên quan đến vụ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Triều Tiên được cho là rơi trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga.

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ngày 12/7/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ngày 12/7/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Ngày 15/7, hai hãng thông tấn của Nga là RIA và TASS đều dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước này, ông Andrei Rudenko cho biết Bộ Quốc phòng Nga đang điều tra xem liệu một ICBM của Triều Tiên có rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này trong một vụ phóng thử hôm 12/7 hay không.

Trước đó vào ngày 13/7, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị, xây dựng và hoạt động hòa bình, ông Khaled Khiari, nói rằng tên lửa do Bình Nhưỡng phóng thử hôm 12/7 đã rơi trong EEZ của Nga.

Theo ông Khiari, tên lửa mới nhất của Triều Tiên này đã trả qua hành trình kéo dài khoảng 74 phút, di chuyển được hơn 1.000 km (625 dặm) và đây có thể là vụ phóng tên lửa đạn đạo xa nhất của Triều Tiên.

Hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết không có dữ liệu xác nhận tên lửa của Triều Tiên rơi trong EEZ của Nga.

Phát biểu với báo giới ngày 15/7, ông Rudenko nêu rõ: "Theo những gì tôi biết, các đồng nghiệp của tôi và Bộ Quốc phòng vẫn đang điều tra vụ việc, nhưng cho đến nay chúng tôi chưa có thông tin rõ ràng về việc tên lửa đã rơi xuống EEZ của Nga".

Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng đã phóng thành công ICBM chạy bằng nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào hôm 12/7. Hwasong-18 được phóng từ ở góc nghiêng, bay 1.001 km ở độ cao tối đa 6.648,4 km. Tên lửa đạn đạo rơi cách đảo Okushiri của Nhật Bản khoảng 250 km, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

KCNA cho biết vụ thử ICBM mới nhất là quá trình thiết yếu nhằm phát triển hơn nữa lực lượng hạt nhân chiến lược của Triều Tiên, đồng thời đóng vai trò như một lời cảnh báo mạnh mẽ các đối thủ của nước này.

Trong tuần này, truyền thông Triều Tiên đưa tin Mỹ và Hàn Quốc đang có ý định thảo luận về việc sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với Bình Nhưỡng tại cuộc họp khai mạc của Nhóm tư vấn hạt nhân mới ở Seoul.

Vụ thử tên lửa Hwasong-18 diễn ra sau khi bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cáo buộc máy bay do thám của Mỹ xâm phạm EEZ của nước này. Bà cảnh báo Triều Tiên sẽ có hành động rõ ràng và kiên quyết đối phó với hành động do thám của Mỹ trong EEZ của Triều Tiên.

Vụ thử nghiệm ICBM của Triều Tiên đã bị các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lên án, nhưng hãng tin Reuters của Anh dẫn lời ông Rudenko cho biết, đây là phản ứng đối với các hành động “thực sự kích động Triều Tiên xây dựng sức mạnh phòng thủ” của Washington và các đồng minh.

ICBM nhiên liệu rắn là một trong những hệ thống vũ khí công nghệ cao, trang bị vệ tinh do thám quân sự và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tên lửa nhiên liệu rắn này được cho là khó phát hiện trước khi phóng hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng, loại tên lửa đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị trước khi phóng, chẳng hạn như phun nhiên liệu.

Thành Nam/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bo-quoc-phong-nga-dieu-tra-kha-nang-ten-lua-dan-dao-xuyen-luc-dia-cua-trieu-tien-roi-vao-eez-20230715191008316.htm