Ấn Độ thử nghiệm thành công vũ khí laser

Ấn Độ vừa thử nghiệm thành công loại vũ khí laser do nước này tự nghiên cứu phát triển, có khả năng bắn hạ máy bay không người lái cánh cố định ở tầm xa, máy bay không người lái hoạt động theo bầy đàn và thiết bị giám sát.

Sản phẩm có tên gọi Hệ thống Vũ khí Năng lượng Định hướng (DEW) có khả năng tạo ra tia laser 30 kilowatt, do Trung tâm Khoa học và Hệ thống Năng lượng Cao (CHESS) thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thiết kế và sản xuất, cùng một số phòng thí nghiệm của chính phủ, các đơn vị học thuật và doanh nghiệp tư nhân. Loại vũ khí này được bắn thử nghiệm hôm 13/4 tại Trường bắn ngoài trời quốc gia ở quận Kurnool, bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ.

Tổ hợp vũ khí laser (DEW) được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thử nghiệm hôm 13/4 tại bang Andhra Pradesh. (Nguồn ảnh: ANI)

Tổ hợp vũ khí laser (DEW) được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thử nghiệm hôm 13/4 tại bang Andhra Pradesh. (Nguồn ảnh: ANI)

Loại vũ khí này được DRDO miêu tả là “có tốc độ giao tranh cực nhanh, độ chính xác cao và khả năng sát thương mục tiêu trong vòng vài giây đã khiến nó trở thành hệ thống chống máy bay không người lái mạnh nhất”. Theo DRDO, chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới đã làm chủ được công nghệ này để vô hiệu hóa tên lửa, máy bay không người lái và các loại đạn nhỏ bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Israel.

Cách thức hoạt động của hệ thống này là: sau khi phát hiện mục tiêu bằng radar hoặc hệ thống quang điện tử (EO) tích hợp, DEW có thể tấn công mục tiêu với tốc độ ánh sáng, sử dụng chùm tia laser để cắt xuyên qua mục tiêu, gây ra hỏng hóc về mặt cấu trúc hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nếu ngắm trúng đầu đạn.

“DEW là vũ khí của tương lai và chúng có thể được sử dụng để đốt các cảm biến điện tử trên tên lửa, máy bay, phương tiện bay không người lái và thậm chí cả vệ tinh”, thông cáo của DRDO có đoạn viết.

DRDO khẳng định loại vũ khí tiên tiến này “có khả năng cách mạng hóa không gian chiến đấu bằng cách giảm sự phụ thuộc vào đạn dược đắt tiền, đồng thời giảm nguy cơ gây ra thiệt hại ở xung quanh mục tiêu bị ngắm bắn”.

Cơ quan nghiên cứu khoa học quốc phòng chiến lược của Ấn Độ khẳng định loại vũ khí laser này sẽ sớm thay thế vũ khí động học truyền thống và hệ thống phòng thủ tên lửa do dễ vận hành và hiệu quả về chi phí. Theo đó, chi phí bắn một loạt đoạn laser trong vài giây tương đương với số tiền mua một vài lít xăng.

Phan Tùng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/an-do-thu-nghiem-thanh-cong-vu-khi-laser-post1192201.vov