Bỏ quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Sáng 17-6, với 90,68% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đáng chú ý, trước đó, trong các phiên thảo luận, quy định về việc bổ sung khoảng 5 triệu hộ kinh doanh vào dự thảo luật; quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp có hơn 50% vốn góp hoặc cổ phần chi phối là hai nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.
Cụ thể, về quy định bổ sung hộ kinh doanh vào dự thảo luật, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến các đại biểu, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.
Về doanh nghiệp nhà nước, tại các phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng, cổ phần chi phối là phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị DNNN phải có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt 65% thì mới là DNNN.
Về nội dung này, UBTVQH nêu rõ: Nội hàm “bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối” tại khái niệm DNNN bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12. Quy định này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn nhà nước trong các DNNN. Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của doanh nghiệp đó. Đồng thời, tỷ lệ này cũng phù hợp với với các cam kết, thông lệ quốc tế . Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật.
Với 10 chương và 219 điều, Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp.
Toàn văn Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được thông qua tại đây: Luat doanh nghiep.doc