Bờ sông lộng gió

Làng tôi nằm ven sông. Mùa nước cạn, sông chỉ rộng vài trăm mét nhưng đến mùa lũ, nước ngập tràn mênh mang bể sở. Bờ sông là hình ảnh gần gũi, chứa đựng cả miền ký ức tuổi thơ của những người sinh ra, lớn lên nơi đây. Chiều chiều, gió nồm nam thổi từ sông qua cánh đồng mát rượi. Sóng nước ào ạt vỗ bờ. Vạt cỏ xanh mướt từ chân bờ tre chắn sóng trải ra tận mép nước. Đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Những ruộng khoai, ngô, đỗ ven bãi xanh tươi. Bên kia là bãi bờ ngút ngàn. Bên này, nhà cửa trù phú, khang trang. Con mương dẫn nước từ cửa cống, chạy dọc ngang tưới tắm cho cánh đồng ngô xanh, lúa tốt. Nhẹ bước dọc bờ sông, ngắm cảnh làng quê yên bình, nên thơ hai bên đồng bãi gợi về cả một miền ký ức xao động.

Nhớ về những ngày ấu thơ năm xưa, bờ sông là con đường gập ghềnh, ghồ ghề. Ngày nắng, đường bụi mù. Ngày mưa, đường trơn trượt, nhầy nhụa bùn, đất, dù đã bám chặt đến tõe cả mười đầu ngón chân, men theo vệ cỏ vẫn không tránh khỏi bị vồ ếch, ngã sóng soài, quần áo lấm lem. Buổi sáng, chúng tôi đi học trên con đường này, hai bên cỏ non xanh mượt, li ti những bông hoa dại muôn sắc màu còn đọng những giọt sương sớm long lanh. Buổi chiều, được nghỉ học, chúng tôi ra đồng phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, đứa nhặt cỏ, bắt sâu, đứa hái rau, cuốc đất, đứa thì chăn bò, cắt cỏ. Vào mùa gặt tháng năm, tháng sáu, trời hè nóng bức, đổ nắng hầm hập, mồ hôi chảy vào mắt cay xè. Có những hôm đang gặt lúa thì cơn mưa ập đến. Gặt xong, lại lượm lúa rồi gánh lên bờ sông chất đống để gần trưa, chở về nhà bằng xe bò cải tiến. Vai áo cha mẹ ướt sũng mồ hôi, ướt đầm những nhọc nhằn, tần tảo. Thương biết bao người nông dân như cha mẹ chân lấm tay bùn, vất vả hai sương một nắng để làm ra hạt lúa. Mong sao làn gió thổi mãi không ngừng để xua tan những giọt mồ hôi, xua tan những vất vả, mệt nhọc.

Đối với lũ trẻ, thích nhất là khi việc đồng áng đã vãn. Chiều tà, khi mặt trời ngả bóng, chúng tôi nằm trên bờ cỏ xanh, ngắm cánh diều chao lượn, nghe tiếng sáo diều vi vu trên nền trời xanh thẳm, thả hồn theo những ước mơ. Bờ sông mọc dày cỏ mật, cỏ chỉ, cỏ gà đan nhau xanh mướt. Hoa cỏ may nở chi chít phất phơ trong gió. Cây xấu hổ ra hoa màu tím hồng xinh xinh. Gió từ sông lồng lộng thổi, mang hơi nước mát lành làm cỏ cây thêm xanh tốt. Những chú cào cào nhảy tanh tách trên bãi cỏ. Bờ sông là nơi chơi đùa của lũ trẻ. Đứa bắt cào cào, bọ muỗm, đứa múc nước sông đổ vào hang bắt dế, đứa chơi chọi cỏ gà. Đám con gái thì ham chơi nhảy dây, bán hàng.

Từ bờ sông có con đường đất thoai thoải chạy dài xuống bãi cát mịn màng, tới bến nước, cách túp lều của lão Bất một quãng khá xa. Bến nước là nơi gặp gỡ hằng ngày của dân làng. Người lớn rửa rau, rửa cỏ, người giặt giũ quần áo. Bọn trẻ con thỏa sức bơi lội, vẫy vùng. Tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng cười đùa lao xao. Vào những đêm trăng sáng, cô thôn nữ gánh nước về nhà với chiếc đòn gánh cong cong, hai thùng nước ở hai đầu cứ chao chao, sóng sánh ánh trăng. Nơi đây cũng là nơi hò hẹn, tâm tình của những đôi trai gái yêu nhau.

Chúng tôi hay xuống túp lều ven sông của lão Bất chơi. Lão Bất là dân ngụ cư, lưu lạc về làng từ thuở còn nhỏ, dựng túp lều ven sông, hằng ngày thui thủi một mình làm nghề chài lưới kiếm tôm, cá. Thực ra trước đây, lão cũng có vợ, mà vợ lão rất xinh. Câu chuyện lấy vợ của lão khá li kỳ. Vào một tối trăng sáng, gió mát rượi, lão ra sông buông lưới. Khúc sông này vắng vẻ, ít người lui tới. Đêm hôm khuya khoắt, chỉ nghe tiếng cá quẫy, tiếng dế kêu nỉ non bên bờ cỏ, rồi cả tiếng rẽ nước, tiếng quẫy đạp rất lạ. Lão Bất căng mắt nhìn thấy một vật gì cứ trồi lên, trụt xuống trên mặt sóng phía xa xa. Lão vội chèo thuyền tới đó phát hiện một cô gái đang vùng vẫy dưới nước. Nhận thấy cô gái sắp chết đuối, với sức lực điền, lại giỏi bơi lội, lão bế xốc cô gái lên thuyền, chèo vào bờ, rồi vác người nâng lên vai cho đầu dốc ngược xuống để ộc nước ra miệng. Lão đặt cô gái xuống đất, làm động tác hô hấp nhân tạo. Gió lộng từ phía dưới sông thổi lành lạnh. Lúc đó, lão mới để ý thấy quần áo cô gái ướt sũng để lộ ra thân hình đầy đặn, ngực căng mẩy, phập phồng, gương mặt xinh xắn. Cả đời lão đến giờ chưa biết đến mùi đàn bà con gái, nơi đây lại không có ai. Lão thổn thức, run rẩy, nhưng cuối cùng kìm được lòng. Đêm ấy, cô gái mê man. Lão đắp khăn mặt, nấu cháo, bón từng thìa cho cô gái. Gần sáng, cô gái mới tỉnh lại, kể rằng mình tên là Nụ, nhà ở bên kia sông, bị cha mẹ ép gả cho Thoắt, một gã giàu có, nhưng cô không chịu. Thoắt trông cao lớn, dữ tợn, vốn từ lâu đã ham muốn chiếm đoạt cô thôn nữ xinh đẹp. Một tối, Nụ sang làng bên, khi tới quãng bờ sông vắng, Thoắt bám theo, rồi rình trong bụi cây ven sông. Khi Nụ trở về, gã lao ra, quàng cánh tay vượn ôm chặt lấy cô gái, đè ngửa xuống. Nhìn bắp chân trần, cặp đùi thon lấp lóa dưới ánh trăng, cặp mắt gã như bốc lửa. Hơi thở nồng nặc, dồn dập của gã đàn ông khiến Nụ cảm thấy rõ mình là con chuột bị trói trước con mèo đói. Nụ cắn chặt hàm răng. Thoắt nhe răng cười ngây dại. Nụ sợ hãi, kêu cứu tuyệt vọng trong đêm hôm khuya khoắt, chỉ nghe tiếng gió sông thổi tới lao xao. Đau đớn, tủi nhục, cô liền trầm mình xuống nước…

Từ đó, lão và Nụ, hai người sống với nhau trong túp lều ven sông. Hạnh phúc chợt đến rồi chợt đi. Sống với nhau được gần một năm, không chịu được cảnh cơ cực, bần hàn, Nụ bỏ đi với tay chủ lò gạch giàu có trên phố huyện. Lão Bất suy sụp, ốm liệt giường. Nhưng nhờ dòng nước trong lành của dòng sông, nhờ nắng gió dãi dầu, nhờ lộc trời dưới sông mà lão gượng dậy, vượt qua nỗi buồn cay đắng, vết thương lòng. Chiều chiều, lão ngồi thơ thẩn nhìn sông nước, gương mặt đờ đẫn, thẫn thờ. Gió lộng thổi phất phơ những sợi tóc đã ngả bạc. Bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau vào túp lều chơi với lão Bất. Lão rất quý trẻ con, hôm thì cho chúng tôi quả bưởi, khi thì quả ổi, lúc quả roi được lão hái từ những cây mọc hoang bên bờ sông. Có hôm, lão kể chuyện khúc sông nào nông, sâu, ban trưa thường có quỷ dạ xoa đi tuần. Lão bảo chúng tôi không được ra sông tắm một mình kẻo bị thuồng luồng, hà bá bắt xuống làm quân hầu...

Lớn lên, tôi đi học, rồi đi làm ở thành phố. Xa quê, lâu lâu mới có dịp về làng, tôi lại tha thẩn nơi bờ sông lộng gió để thả hồn trong không gian bình yên, trong lành. Bây giờ, bờ sông được trải nhựa thành tuyến đường giao thông rộng rãi thuận tiện cho đi lại, sản xuất, giao thương, hai bên bờ được kè đá. Không còn bến nước và túp lều nhỏ ven sông, cũng không còn thấy lão Bất làm nghề chài lưới nữa. Nghe nói, từ đận cô Nụ theo gã chủ lò gạch, lão cũng bỏ làng đi biệt tăm. Nơi bờ sông, bãi ngô, vạt cỏ vẫn xanh tốt một màu. Và gió từ sông vẫn thổi lên mát rượi, xua tan bao lo toan, muộn phiền. Gió vi vu, miên man như vọng về những câu chuyện vui, buồn của một thời xa vắng, những câu chuyện còn đọng mãi trong tâm tưởng của những người mang trong lòng nỗi niềm trắc ẩn về tình người, tình đời, để rồi năm tháng qua đi, khi nhớ lại thấy bâng khuâng, ngậm ngùi, trăn trở…

P.N.Đ

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/bo-song-long-gio-3173421.html