Bổ sung nhiều quy định mới điều chỉnh hoạt động bảo tàng
Dự thảo Thông tư 'Quy định chi tiết về nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàng; gửi, lưu giữ hiện vật, tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân người nước ngoài và hoạt động nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu; chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa' hiện đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, thời gian đến hết ngày 18.4.2025.

Ảnh minh họa
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàng; gửi, lưu giữ hiện vật, tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân người nước ngoài và hoạt động nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu; chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tính đến hết tháng 12.2024, Việt Nam có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó có 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh).
139 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia, 620 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
327 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; hệ thống bảo tàng đã phát triển gồm 204 bảo tàng, trong đó 127 bảo tàng công lập, 77 bảo tàng ngoài công lập, đang lưu giữ, phát huy giá trị trên 4 triệu hiện vật.
Với hệ thống này, cần phải có những quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trong hoạt động bảo tàng, kể từ khi có Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, cùng với đó 3 là các Nghị định, Thông tư đã tạo điều kiên thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam ngày càng phát triển, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, các quy định để điều chỉnh hoạt động bảo tàng vẫn còn chưa đầy đủ, cần phải bổ sung mà cụ thể trong Luật Di sản văn hóa 2024 đã quy định.
Cụ thể: điều chỉnh các quy định không phù hợp, quy định chi tiết, cụ thể hơn về các nhiệm vụ chuyên môn của bảo tàn. Trong đó có quy định mới được đưa vào luật như quy trình bảo quản hiện vật, xây dựng nội dung trưng bày, hoạt động giáo dục, truyền thông của bảo tàng.
Các quy định về gửi, lưu giữ hiện vật, tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu; hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân người nước ngoài và hoạt động nghiên cứu, sưu tầm di sản tư liệu cũng cần điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp thực tiễn và đồng bộ với quy định của Luật Di sản văn hóa.
Hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đang công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa luôn được quan tâm, thời gian gần đây đã được tổ chức đào tạo thông qua các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nhưng chưa có quy định cụ thể.
Việc đưa quy định chương trình, tài liệu, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vào Luật Di sản văn hóa và quy định chi tiết tại Thông tư là rất cần thiết để các cơ quan hữu trách có căn cứ triển khai các nhiệm vụ nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển.