Bổ sung nhiều trạm quan trắc không khí tại Hà Nội, TPHCM

Hà Nội, thành phố ô nhiễm nhất cả nước, sẽ được bổ sung thêm 7 trạm/điểm quan trắc không khí tự động và định kỳ vào mạng lưới quan trắc thành phố. TPHCM cũng được bổ sung thêm 12 trạm/điểm quan trắc không khí trong bối cảnh thành phố đông dân nhất cả nước có hệ thống quan trắc thưa thớt.

Các điểm nóng ô nhiễm sẽ được quan trắc

Theo Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương được bổ sung số điểm/trạm quan trắc không khí nhiều nhất.

Tại Hà Nội, mạng lưới quan trắc không khí quốc gia sẽ có 19 điểm/trạm quan trắc. Bên cạnh 12 trạm/điểm quan trắc đã có, thành phố sẽ được bổ sung thêm 6 điểm quan trắc ở những khu vực nguy cơ ô nhiễm cao nhưng mạng lưới quan trắc còn thưa thớt, gồm khu dân cư Long Biên, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Quốc Oai - Thạch Thất. Ngoài ra, trạm quan trắc Văn Tiến Dũng sẽ được đặt tại quận Bắc Từ Liêm.

Ngoài hai thành phố lớn nhất cả nước, một số địa phương khác cũng được lắp thêm nhiều trạm/điểm quan trắc không khí như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là những địa phương đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, nguy cơ phát thải lớn.

Tại TPHCM, bên cạnh 6 trạm/điểm quan trắc đã có trong mạng lưới quốc gia, sẽ được bổ sung 12 trạm/điểm quan trắc mới, đặt tại nút giao thông vành đai 2 và cao tốc Long Thành - Dầu Giây (huyện Bình Chánh), ngã tư Bốn Xã, khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (quận Bình Tân), vòng xoay Lăng Cha Cả (huyện Củ Chi), Cầu Vượt trạm 2 (Thủ Đức), nhà thờ Đức Bà (Quận 1), vòng xoay Lý Thái Tổ (Quận 10), khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), đường vào bãi rác Đa Phước (quận Bình Chánh), khu dân cư Phú Mỹ Hưng (Quận 7). Hai trạm mới được thiết lập là trạm Tân Phú (quận Tân Phú) và trạm khí Bình Chánh (huyện Bình Chánh).

Với việc bổ sung hàng loạt điểm/trạm quan trắc mới, Quy hoạch Quốc gia đặt mục tiêu thiết lập, hoàn thiện mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ trên cả nước, tập trung vào các vùng phát triển kinh tế xã hội quan trọng, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, đảm bảo việc đánh giá tác động tới môi trường không khí tại các khu vực phát triển công nghiệp và đông dân cư.

Hỗ trợ xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 37 trạm quan trắc không khí tự động, do nhiều đơn vị quản lý. Tuy nhiên, hệ thống trạm quan trắc mới đáp ứng một phần yêu cầu của công tác quản lý chất lượng môi trường không khí Thủ đô. Số liệu quan trắc không đầy đủ ảnh hưởng đến đánh giá chất lượng không khí ở Hà Nội. Cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, bao gồm cả dữ liệu về phát thải, chưa được xây dựng cũng như chưa có cơ chế chia sẻ thông tin-dữ liệu để tăng cường phối hợp quản lý và nghiên cứu phục vụ công tác quản lý.

Hà Nội thường xuyên trải qua các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong mùa đông Ảnh: Như Ý

Hà Nội thường xuyên trải qua các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng trong mùa đông Ảnh: Như Ý

Đáng lưu ý, từ cuối năm 2021 đến hết năm 2022, các trạm Quan trắc không khí do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quản lý phải tạm dừng hoạt động để thực hiện bảo dưỡng, thay thế trang thiết bị, nâng cấp phần mềm, hạ tầng kỹ thuật nên chưa truyền dữ liệu lên Bộ Tài nguyên và Môi trường theo yêu cầu.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí. Từ đó hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về chất lượng không khí tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên thành phố Hà Nội. Đây là một trong những giải pháp để thành phố hướng đến chỉ tiêu năm 2030 có khoảng 75%-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, một trong những khó khăn của việc cải thiện chất lượng môi trường không khí là thiếu cơ sở dữ liệu đủ độ tin cậy về hiện trạng cũng như các nguồn phát thải. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường không khí là rất cần thiết.

Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, cùng với việc thiết lập các điểm/trạm quan trắc cần có cơ chế quản lý phù hợp để các trạm, điểm này có thể hoạt động tốt, thường xuyên, giá trị quan trắc được khai thác và sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý cũng như dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí.

NGUYỄN HOÀI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-sung-nhieu-tram-quan-trac-khong-khi-tai-ha-noi-tphcm-post1620305.tpo