Bổ sung quy định cấm 'mua bán bào thai' trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người
Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận thấy tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp, song việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh
Ngày 13-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 67 điều.
Về khái niệm "mua bán người", Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy khái niệm "mua bán người" trong dự thảo Luật cơ bản đã bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, phúc đáp yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, bảo đảm tiệm cận với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về hành vi mua bán bào thai, bà Lê Thị Nga cho biết Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy tình hình mua bán bào thai đang diễn biến phức tạp và việc xử lý hành vi mua bán bào thai chưa được pháp luật điều chỉnh.
Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: "mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai".
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH và các đại biểu cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định cấm "mua bán bào thai". Đồng thời, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm rõ ràng, bao quát phạm vi điều chỉnh.
Đối với chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp và khu vực biên giới. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 6 Điều 5 của dự thảo Luật đã được bổ sung quy định này.
Trước ý kiến đề nghị trường hợp người bị mua bán có sự đồng thuận để người khác mua bán mình thì không được coi là nạn nhân của mua bán người, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn bị coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.
Còn trường hợp mua bán người trên 18 tuổi mà có sự đồng thuận thì Luật này không coi là mua bán người, do yếu tố thủ đoạn (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt) là yếu tố bắt buộc trong hành vi mua bán người. Do có sự thay đổi về khái niệm nạn nhân nên dự thảo Luật đã được bổ sung một điều quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp này.