Bổ sung quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện
Dư địa phát triển của BHXH tự nguyện còn rất lớn nhưng số người tham gia chưa cao bởi chính sách vẫn chưa thật sự hấp dẫn
Theo quy định hiện hành, BHXH tự nguyện chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất mà không có chế độ thai sản. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người lao động (NLĐ) chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.
Nhiều băn khoăn
Gần 1 tháng tìm hiểu về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện nhưng chị Vũ Thị Phương - 28 tuổi; ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội - vẫn chần chừ chưa "chốt" có nên tham gia hay không. Theo chị, so với chế độ BHXH bắt buộc thì người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn, trong khi thời gian đóng lại kéo dài.
"Làm công việc tự do, tôi cũng đã tham gia BHYT hộ gia đình. Mong muốn của tôi là BHXH tự nguyện có thêm chế độ về thai sản, ốm đau... để yên tâm làm việc và có thêm khoản chi phí khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ" - chị Phương bày tỏ.
Theo nhiều chuyên gia an sinh xã hội, quy định về quyền lợi giữa người tham gia BHXH bắt buộc với BHXH tự nguyện hiện có sự khác biệt. Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi mà người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng trong quá trình thai sản, từ khi khám thai đến lúc nuôi con nhỏ. Chế độ này nhằm hỗ trợ một phần thu nhập, góp phần bảo đảm sức khỏe cho lao động nữ (LĐN) khi mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ và cho lao động nam khi vợ sinh con. Thế nhưng, người tham gia BHXH tự nguyện lại không được hưởng chế độ này. Quy định này đã làm giảm sự hấp dẫn của BHXH tự nguyện.
"BHXH tự nguyện chỉ có 2 quyền lợi là hưu trí và tử tuất mà những cái đó thì xa vời. Trong khi đó, điều mà NLĐ trẻ, nhất là lao động di cư, mong muốn thì chưa được đáp ứng. Do vậy, cần bổ sung quyền lợi về chế độ thai sản cho LĐN tham gia BHXH tự nguyện" - một chuyên gia đề xuất.
Thể chế hóa chủ trương mở rộng diện bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân, trong đó nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, trong đó đề xuất thêm chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, ngoài việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm hiện nay còn 15 năm với cả người tham gia theo hình thức tự nguyện lẫn bắt buộc, cơ quan soạn thảo còn đề xuất bổ sung trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất với NLĐ đang đóng BHXH tự nguyện thì khi sinh con được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con, chi phí từ ngân sách nhà nước. Trường hợp chỉ có người mẹ đóng BHXH mà không may qua đời sau khi sinh thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đứa bé sẽ được hưởng khoản trợ cấp này.
Rút ngắn thời gian đóng, tăng mức hưởng
Sau gần 2 tháng dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đa số người dân đồng thuận với đề xuất bổ sung quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chế độ thai sản ở mức 2 triệu đồng là còn thấp. Bởi lẽ, việc nuôi dưỡng, chăm sóc một đứa trẻ rất tốn kém, trong khi đa số NLĐ tham gia BHXH tự nguyện làm những công việc không ổn định, lại nghỉ làm trong thời gian thai sản.
Mất việc ở độ tuổi 35 nên chị Nguyễn Thị Hiền (quê Long An) trầy trật tìm việc làm mới. Sau khi rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn, chị rất muốn tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ chăm sóc khi hữu sự.
"Qua tìm hiểu, tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện có mức đóng linh hoạt, chỉ cần tiết kiệm vài trăm ngàn đồng mỗi tháng là NLĐ có khoản tiền để tham gia. Tuy nhiên, khoản trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/lần như đề xuất trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là quá ít so với nhu cầu chăm sóc phụ nữ khi sinh nở và trẻ sơ sinh, cần tính toán lại để hấp dẫn người tham gia" - chị Hiền góp ý.
Theo luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về chế độ hưu trí khi tham gia BHXH tự nguyện, NLĐ cần đóng BHXH ít nhất 20 năm và chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu thì mới được hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT miễn phí. Còn chế độ tử tuất thì chi trả sau khi người tham gia BHXH qua đời. Việc phải chờ đợi trong thời gian dài mới được thụ hưởng quyền lợi khiến nhiều người do dự, chưa tham gia BHXH tự nguyện. Do vậy, ban soạn nên nghiên cứu rút ngắn thời gian đóng BHXH.
Thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam cho thấy hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Một số tỉnh, thành có người tham gia BHXH tự nguyện cao là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An… Nhiều chuyên gia cho rằng số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với tiềm năng của một quốc gia đông dân số và có hàng chục triệu người trong độ tuổi lao động trẻ như nước ta. Ước tính, tỉ lệ này hiện mới đạt khoảng hơn 3% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Thiết kế chính sách cần linh hoạt, hấp dẫn
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, người tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và đối tượng khác là 10%. Dù vậy, chính sách này vẫn chưa hấp dẫn người dân. Ông Lợi cho rằng quyền lợi thụ hưởng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH tự nguyện thấp.
Với BHXH bắt buộc, người tham gia được thụ hưởng 5 chế độ: hưu trí, tử tuất, ốm đau - thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thất nghiệp. Thế nhưng, BHXH tự nguyện hiện chỉ cung cấp 2 chế độ hưu trí và tử tuất, khiến chính sách này kém hấp dẫn.
Ông Lợi nhìn nhận chính sách BHXH tự nguyện cần được thiết kế theo hướng linh hoạt, hấp dẫn hơn để việc gia tăng quyền lợi, chế độ sẽ đi liền với sự gia tăng số người tham gia, góp phần mở rộng lưới an sinh đến nhóm lao động làm những công việc tự do, không có hợp đồng lao động.