Bổ sung thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là nội dung còn ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua. Theo các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng tuy tác động đến hoạt động tố tụng, nhưng xét về bản chất đều ảnh hưởng đến an toàn trật tự xã hội, xâm phạm quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND. Do đó, Chủ tịch UBND có quyền xử phạt. Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc loại trừ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND trong trường hợp Chủ tịch UBND là đương sự tham gia tố tụng.

Có dẫn đến mâu thuẫn?

Trong dự thảo Pháp lệnh quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 7 cơ quan gồm: Tòa án nhân dân (Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự), Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư. Không quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh tại 3 nhóm cơ quan gồm: Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự trung ương và các cơ quan có thẩm quyền điều tra trong Quân đội nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát quân sự; UBND các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp đang có 2 loại ý kiến khác nhau về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp. Theo đó, đa số ý kiến thống nhất với cơ quan soạn thảo, đề nghị không quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng với các lý do: Hành vi cản trở hoạt động tố tụng tác động trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó, việc quy định chỉ các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt là phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Lý lẽ là bởi, hoạt động tố tụng là lĩnh vực đặc thù, khác với lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND, do đó, nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ không phù hợp với nguyên tắc tại khoản 3 Điều 52, Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương”.

Hơn nữa, trong vụ án hành chính hoặc các vụ án có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp có thể là đương sự tham gia tố tụng và nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì cũng là đối tượng bị xử phạt. Do đó, nếu giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp có thể dẫn đến mâu thuẫn, không thể hoặc không ra quyết định xử phạt đối với chính mình.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đồng thời thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Vì, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng tuy tác động đến hoạt động tố tụng nhưng xét về bản chất đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, thuộc phạm vi quản lý của UBND. Do đó, việc giao cho cả UBND có thẩm quyền xử phạt là phù hợp.

Nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND sẽ dẫn đến một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (vì Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng). Điều này sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong việc bảo đảm thời hạn chuyển biên bản (trong 24 giờ), thời hạn ra quyết định xử phạt (10 ngày) theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính

Băn khoăn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Chủ tịch UBND các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đặt vấn đề, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “UBND thực hiện xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền”. Nếu viện dẫn theo quy định này, thì phương án không quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND có phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính không? Thực tế, trong các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có rất nhiều hoạt động xảy ra bên ngoài phiên tòa, hay trong giai đoạn xét xử vụ án. Cho nên, việc giao Chủ tịch UBND các cấp xử phạt là phù hợp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.

Giải trình thêm về vấn đề này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong dự thảo Pháp lệnh cũng đang đề xuất 2 phương án về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, cá nhân ông cho rằng, gây rối ở ngoài xã hội, hay gây rối trong phiên tòa cũng thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp. Do vậy, đề nghị nên bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trừ trường hợp Chủ tịch UBND là đương sự tham gia tố tụng.

Đồng tình với ý kiến tiếp thu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, “nếu không quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp sẽ vướng với một số nghị định của Chính phủ đã quy định hành vi xử phạt và thẩm quyền xử phạt trong một số trường hợp liên quan đến tố tụng. Nhưng nếu quy định sẽ vướng vào trường hợp đặc thù khi mà UBND có thể trở thành một bên đương sự trong các vụ án hành chính mà Tòa án đã xem xét”. Song qua phân tích, thì phương án Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đưa ra là tối ưu nhất, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Cho rằng phương án Chánh án nêu là "tương đối thỏa đáng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp là trực tiếp tại địa phương, do đó việc quy định thẩm quyền này trong dự thảo Pháp lệnh là bảo đảm tính khả thi, còn "có loại trừ hay không và loại trừ gì thì chúng ta tính toán kỹ”.

Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được soạn thảo rất công phu, nghiêm túc, với tinh thần vào cuộc từ sớm, từ xa, có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo là Tòa án Nhân dân Tối cao và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tư pháp. Nhấn mạnh điều này, trong phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các quy định về xác định thẩm quyền và phân định quyền xử phạt; thống nhất bổ sung nội dung quy định giao cho Chủ tịch UBND thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng, có loại trừ trong một số trường hợp không thực hiện. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan thẩm tra cần sớm hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp sáng 18.8 tới để xem xét, thông qua.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bo-sung-tham-quyen-xu-phat-cua-chu-tich-ubnd-voi-hanh-vi-can-tro-hoat-dong-to-tung-i298025/