Bộ Tài chính ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025

Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 của Bộ Tài chính nhằm hướng đến mục tiêu cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành đến cán bộ, công chức tài chính, để thực thi hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng vừa ký Quyết định 1420/QĐ-BTC ngày 21/4/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 của Bộ Tài chính. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Kế hoạch nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin pháp luật, nhất là các luật mới ban hành đến cán bộ, công chức tài chính; các cơ quan, tổ chức, cá nhân để nắm bắt và tổ chức thực thi hiệu quả; gắn phổ biến pháp luật với xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật tài chính.

Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với từng bước thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật hướng tới mục đích tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức tài chính; lãnh đạo, người lao động các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm đại diện chủ sở hữu.

Vì thế, Kế hoạch của Bộ Tài chính đặt ra yêu cầu phải kịp thời phổ biến, tuyên truyền luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tài chính mới ban hành, đáp ứng kịp thời nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu văn bản quy phạm pháp luật của các đối tượng thi hành; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả công tác này.

Các đơn vị cũng phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính, phát huy thế mạnh của từng đơn vị và huy động sự tham gia tích cực của báo, tạp chí ngành.

Cùng với đó là phải gắn hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, công tác soạn thảo văn bản, hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng.

Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025 của Bộ Tài chính đòi hỏi tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các đối tượng về tình hình, kết quả xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính trong năm 2024, 2025 và định hướng đến năm 2026, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kế hoạch giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với các báo, tạp chí trong ngành và ngoài ngành và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan thực hiện trong năm 2025.

Đồng thời phải tiếp tục phổ biến, tuyên truyền các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7, 8, 9 và các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trong năm 2024 và năm 2025.

Các hình thức triển khai có thể là tổ chức hội nghị, tọa đàm, hội thảo, tập huấn để tuyên truyền phổ biến; hoặc tổ chức viết bài tuyên truyền, giới thiệu trên báo, tạp chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật không nêu trong Kế hoạch này, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại đơn vị, chủ động tổ chức phổ biến bằng các hình thức thích hợp; bảo đảm phù hợp với quy định và các đối tượng.

Trong đó, tập trung vào các chính sách mới, các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng thi hành là người dân và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tạo điều kiện tuân thủ pháp luật cho các đối tượng thi hành...

Ngoài ra, Kế hoạch của Bộ Tài chính cũng yêu cầu tổ chức các hoạt động triển khai “Ngày pháp luật Tài chính” và “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2025 theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với các hình thức và nội dung phù hợp.

Các đơn vị cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, sách hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật...

Kế hoạch đã liệt kê cụ thể nhóm các văn bản quy phạm pháp luật tài chính phổ biến đến các đối tượng có liên quan. Chẳng hạn:

Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).

Luật Thuế giá trị gia tăng số 48/2024/QH15 ngày 26/11/2024, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn thi hành...

Bình Nam

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bo-tai-chinh-ban-hanh-ke-hoach-pho-bien-giao-duc-phap-luat-nam-2025.html